Sự kiện hot
13 năm trước

Tại sao những ‘sếp lớn’ Việt bị hạ bệ?

Dư luận đang xôn xao về việc Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bị miễn nhiệm. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu thông tin gây “sốc” kiểu này xảy ra, mà trước đó, hàng loạt “ông lớn” cũng bất ngờ bị hạ bệ.

Dư luận đang xôn xao về việc Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam bị miễn nhiệm. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu thông tin gây “sốc” kiểu này xảy ra, mà trước đó, hàng loạt “ông lớn” cũng bất ngờ bị hạ bệ.

Khi còn giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Đào Văn Hưng đã “nổi tiếng” với câu nói: “Có cắt điện hay không, chỉ Ngọc hoàng mới trả lời được”. Và đến khi ông Hưng bị đích danh Thủ tướng Chính phủ quyết định miễn nhiệm, ngay trong những ngày đầu sau Tết Nguyên đán thì dư luận mới được tỏ tường về năng lực thực sự của ông “quan” từng “mạnh miệng” này. Theo Văn phòng Chính phủ, trong suốt 4 năm tại vị, ông Hưng đã thể hiện năng lực điều hành kém, liên tục để EVN rơi vào những bê bối và chịu nhiều búa rìu dư luận. Ngoài ra, ông Hưng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới đến kết quả sản xuất kinh doanh không tốt tại Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom).

Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ EVN lên tới gần 50.000 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 90% là vào những công ty con. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận thu về khoảng 540 tỷ đồng, đạt tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư chỉ hơn 1%. Bên cạnh đó, EVN cũng đã đầu tư trên 2.100 tỷ đồng vào 4 lĩnh vực nhạy cảm và ngoài ngành kinh doanh chính như bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính chiếm 3,27% vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, Tập đoàn này đã đầu tư 100% vốn vào Công ty EVN Telcom, với số vốn đầu tư tính đến 31/12/2010 lên tới 2.442 tỷ đồng, nhưng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2010 đã giảm tới 42% so với năm 2009.

Cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN, ông Đào Văn Hưng.

Bị miễn nhiệm, ông Hưng sẽ chuyển sang công tác tại Bộ Công thương. Tuy nhiên, tính đến hôm nay (7/2), ông Hưng vẫn chưa được nhận nhiệm vụ mới vì đang bị kiểm điểm tại EVN và EVN Telecom. Sau đó, ông Hưng cũng sẽ bị kiểm điểm tại Ban cán sự Bộ Công thương.

Cùng với EVN, một tập đoàn nổi tiếng khác cũng bị dính vào “phốt” buộc phải hạ bệ quan chức của mình, đó là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Cách đây chưa lâu, dư luận cũng từng xôn xao trước sự việc Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin, ông Phạm Thanh Bình bị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ chức vụ.

Theo kết quả của các cơ quan kiểm tra, trong thời gian giữ trọng trách tại Vinashin, ông Bình đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại tập đoàn này, gây hậu quả nghiêm trọng khiến tập đoàn đứng bên bờ vực phá sản.

Vinashin đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp; thành lập quá nhiều công ty con (gần 200) không đủ năng lực sản xuất kinh doanh; đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; đầu tư mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.

Cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin, ông Phạm Thanh Bình.

Vinashin cũng vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán. Bộ máy quản lý vốn Nhà nước tại nhiều đơn vị thuộc tập đoàn thiếu năng lực.

Ông Bình còn bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trái quy định của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở việc bị đình chỉ chức vụ, sau một thời gian bị điều tra, ông Bình còn chính thức bị cơ quan luật pháp truy tố với lý do “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng với ông Bình, 8 thuộc cấp khác của ông tại Vinashin cũng nhận chung kỷ luật này.

Theo cáo trạng, ông Bình đã có rất nhiều sai sót nghiêm trọng trong hàng loạt dự án lớn. Đặc biệt ông Phạm Thanh Bình có nhiều sai phạm nghiêm trọng, liên quan đến việc mua tàu cao tốc Hoa Sen, trên cơ sở đề nghị của Vinashin, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cho tập đoàn này đóng mới tàu biển cao tốc chở khách Bắc Nam.

Tuy nhiên, ông Bình đã không thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho các thành viên HĐQT, tự ý mua tàu Hoa Sen là tàu cũ của Italy để làm tàu chở khách. Không dừng lại ở đó, trong việc mua sắm con tàu này, cơ quan điều tra cũng phát hiện hàng loạt sai phạm khác như quyết định phê duyệt dự án đầu tư mua tàu trước khi lập và thẩm định dự án, không làm thủ tục thẩm tra để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, không thực hiện chào hàng cạnh tranh. Hậu quả, tàu Hoa Sen được đầu tư trên 65 triệu euro nhưng chỉ chạy được 39 chuyến Bắc - Nam thì phải dừng lại vì hoạt động không hiệu quả, gây thiệt hại gần 470 tỷ đồng...

Trong thời gian vừa qua, dư luận cũng được dịp xôn xao trước việc Ngân hàng Nhà nước “xử” hàng loạt cán bộ cấp cao của các ngân hàng lớn.

Gần đây nhất và cũng “đình đám” nhất là việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước buộc thôi việc hàng loạt cán bộ của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP HCM HDBank. Theo đó, các cán bộ cấp cao của ngân hàng này, từ Hội đồng quản trị đến Ban kiểm soát, Ban điều hành... đều trong diện bị “xử lý”. Trong đó Thống đốc NHNN yêu cầu HĐQT ngân hàng này cách chức Phó tổng giám đốc và buộc thôi việc ông Đàm Thế Thái. Tại HDBank chi nhánh Tân Bình, ông Tôn Cẩm Thành bị miễn nhiệm chức danh Giám đốc. Nhiều vị trí khác của ngân hàng này cũng buộc phải điều chỉnh nhân sự.

Nguyên nhân của đợt “càn quét” này là do HDBank đã “dính” sai phạm vượt trần lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, cơ quan này đã khẳng định sẽ siết chặt việc kiểm soát những ngân hàng cố tình “vượt rào” lãi suất và sẽ “đánh mạnh” vào những lãnh đạo cấp cao.

Cũng chính vì thế nên Giám đốc chi nhánh DongABank Tây Ninh, ông Nguyễn Thái Hậu và ông Lê Hòa Thuận, Giám đốc Techcombank chi nhánh Phú Mỹ Hưng cùng “chịu chung số phận” bị đình chỉ công tác do không tuân thủ chỉ đạo về việc giữ trần lãi suất huy động.

Việc không ít các cán bộ chủ chốt của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn bị “hạ bệ” đã phần nào khiến dư luận hoang mang và mất lòng tin về đội ngũ “cầm trịch” này. Bởi dù bị “xử lý’ nhưng những hậu quả mà họ để lại rất nặng nề, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, quyền lợi của Nhà nước và nhân dân.

Theo Dat Viet


Từ khóa: