Đã có đội bóng (HP.HN) bỏ bóng đá, đồng nghĩa với thái độ bất mãn với VFF, BTC, chẳng khác gì muốn giải tán V-League. Cũng đã có ý tưởng thành lập Super Liga. Đấy là khao khát thực sự của không ít người, chứ không phải bộc phát.
Đã có đội bóng (HP.HN) bỏ bóng đá, đồng nghĩa với thái độ bất mãn với VFF, BTC, chẳng khác gì muốn giải tán V-League. Cũng đã có ý tưởng thành lập Super Liga. Đấy là khao khát thực sự của không ít người, chứ không phải bộc phát.
Thực ra, giải tán V-League là ý tưởng tiêu cực.
Bởi, quyết định đấy ảnh hưởng đến bao số phận liên quan đến hoạt động bóng đá. Bóng đá VN dù chưa đẻ ra tiền, nhưng những thành phần giàu lên nhờ bóng đá rất là nhiều. Tất nhiên, VFF cũng ngày càng giàu ra, được coi là tổ chức xã hội nghề nghiệp ăn nên làm ra.
Tuy vậy, nếu để V-League tồn tại và phát triển với cơ thể thiếu khỏe mạnh, thậm chí đang rất nhiều vấn đề như 11 mùa qua, thì tạm dừng để hoàn thiện mọi vấn đề, trước khi bước vào một cuộc chinh phục chuyên nghiệp đích thực, cũng là điều cần phải tính đến.
Công tác trọng tài ở V-League mấy năm qua không đảm bảo, bộc lộ sự thiếu công tâm. Ảnh: VSI
Năm 2008, sau sự cố xung đột giữa CĐV Hải Phòng và SLNA làm chết người ở sân Vinh, VFF cũng đã từng nghĩ đến việc tạm dừng V-League. Tất nhiên, ông trưởng giải không có thẩm quyền quyết định, chỉ có quyền đề nghị lên ban chỉ đạo V-League (gồm Chủ tịch VFF, 3 Phó chủ tịch, TTK và trưởng ban Truyền thông).
Sau mùa giải chuyên nghiệp chính thức đầu tiên vừa qua, rõ ràng V-League đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, gây bức xúc dư luận. Công tác trọng tài không đảm bảo, bộc lộ sự thiếu công tâm. Việc trấn áp các biểu hiện tiêu cực hạn chế. Bằng chứng rõ nhất, liên tục xuất hiện các trận đấu thiếu trung thực ở cuối mùa. Các văn bản pháp quy bị cho không theo kịp thực tiễn. Năng lực quản lý, điều hành giải đều có vấn đề, rõ nhất là liên tục phải thay trưởng giải…
Nghịch lý nhất là việc tìm ra một trưởng giải mới, trưởng ban Trọng tài thực sự khó khăn. Không hiểu nổi trình độ của các CLB đến đâu, họ nghĩ sao hoặc có được định hướng gì không mà đa số đều tín nhiệm ông TTK VFF Trần Quốc Tuấn, không phải là thành viên của BCH VFF, làm trưởng giải? Chẳng lẽ, cả làng bóng đá nước nhà không tìm ra người giữ chức trưởng giải? Trong khi, ai cũng biết ông TTK VFF quá nhiều việc đại sự, chỉ mỗi đi họp đã mất hết thời gian. TTK VFF Trần Quốc Tuấn từng kiêm trưởng giải hoàn thành nhiệm vụ, ai cũng biết đằng sau đó là vai trò của ông Dương Nghiệp Khôi. Đúng là một vòng luẩn quẩn mang tính hệ thống. Trong trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm vừa qua, có thể nói lời cảm ơn đại diện 3 CLB đã “dũng cảm” không bỏ phiếu vì họ nhận ra sự vô lý và bất cập trong đó. Nói dũng cảm bởi các CLB ta thường hay nhắm mắt bỏ phiếu hay biểu quyết thông qua rất bậy.
VFF đã tính đến việc cải tổ công tác trọng tài, bắt đầu là lập ban Trọng tài, nhưng cái cách họ kiên quyết không hợp thức hóa một suất ủy viên BCH VFF, để chọn ra từ HĐTT QG một người thực sự nổi trội để ngồi cái ghế nóng. Thay vào đó, đã bắn tiếng sẽ bổ nhiệm ông Phạm Ngọc Viễn kiêm nhiệm. Bất luận thế nào nếu TTK VFF làm trưởng giải, Phó Chủ tịch VFF ngồi ghế trưởng ban Trọng tài thì thật là khó nghĩ.
Có thể cảm nhận rất rõ, chưa bao giờ, dư luận lại bức xúc với thực trạng bóng đá VN như thế. Mong mỏi Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT có những động thái quyết liệt với VFF, kiểu như với Cục điện ảnh là hoàn toàn chính đáng. Cục điện ảnh cũng đã có “Hội nghị Diên Hồng” hôm 25/9, còn VFF thì chưa, Đại hội bất thường không diễn ra trong khi Đại hội thường niên thì đến cuối tháng 12, thay vì vẫn có thể sớm hơn.
Nếu V-League 2012 chưa thực sự được chuẩn bị chu đáo, chưa đáp ứng được những yêu cầu thì tại sao không tạm dừng để hoàn thiện? Hay là, phải đợi chết người như năm 2008, hoặc phải gây thiệt hại kiểu như bên Cục điện ảnh bị tay kế toán trưởng ẵm gần 40 tỷ đồng cao chạy xa bay mới bị động dao kéo?
Theo TT-VH