Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi tín hiệu về việc có thể sẽ điều mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng tốt, trên cả mức 15 – 17%. Tuy nhiên, gần như tất cả các ngân hàng đều “lắc đầu”… vì mức cũ còn khó đạt nói chi đến tăng thêm.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi tín hiệu về việc có thể sẽ điều mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng tốt, trên cả mức 15 – 17%. Tuy nhiên, gần như tất cả các ngân hàng đều “lắc đầu”… vì mức cũ còn khó đạt nói chi đến tăng thêm.
Thận trọng giải ngân
Mặc dù lãi suất hạ liên tục, các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình cho vay ưu đãi nhưng với nỗi ám ảnh nợ xấu và yêu cầu kiểm soát an toàn nên các ngân hàng vẫn dè dặt trong giải ngân.
Trong một cuộc đối thoại DN gần đây, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NHNN tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết, suốt một thời gian dài luẩn quẩn trong việc doanh nghiệp khó tiếp cận, ngân hàng chưa đủ tin tưởng để giải ngân. DN đang khó khăn vốn, hàng tồn kho nhiều, phương án kinh doanh không khả thi, nợ quá hạn và nợ xấu gia tăng nên ngân hàng có phần e ngại.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã làm cho DN rất khó khăn, vì thế NHNN cũng tính toán để giảm dần. Nhiều lãnh đạo ngân hàng đã ngồi lại cùng DN để tìm phương thức giải ngân. Tuy vậy, đối tượng được các ngân hàng quan tâm vẫn còn nằm trong một giới hạn nhất định với những điều kiện đảm bảo an toàn đi kèm.
Hầu hết các ngân hàng đang nhìn nhận về cơ cấu nợ của DN cũng còn khá phức tạp. Hiện nay, DN vẫn tồn tại hàng tồn kho nhiều, chưa có đầu ra nên sản xuất kinh doanh cũng ngưng trệ. Như vậy nợ ngân hàng ngày một cao, đặc biệt là nợ xấu ngày càng gia tăng. Đó cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu để các ngân hàng cho vay.
Ông Phạm Linh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông, cho rằng: “Hầu hết các ngân hàng cần biết DN khó khăn như thế nào để dễ xác định hơn trong việc xem xét. Mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh cho phép khoanh nợ đối với những DN sản xuất thuộc lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, nên thực hiện gói kích cầu để tiêu thụ hàng hóa tồn kho. Có như vậy, doanh nghiệp mới mạnh dạn sản xuất, ngân hàng dám cho doanh nghiệp vay vốn.”
Trao đổi mới đây về tín dụng cho xuất khẩu, ông Trần Phú Minh, Phó TGĐ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), cho rằng: “Ngoài việc thị trường xuất khẩu không ủng hộ các doanh nghiệp nên tình hình tài chính nhiều doanh nghiệp còn mang nhiều rủi ro. Nhiều doanh nghiệp còn sai lệch đầu tư, vay việc này làm việc kia nên để việc giải ngân đảm bảo chỉ số an toàn cũng là vấn đề rất khó khăn. Ngân hàng cũng chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp khó khăn hoặc trong ngành nghề ưu tiên tạm thời đi qua giai đoạn này. Những doanh nghiệp thực sự làm ăn không hiệu quả, khả năng tài chính vẫn chưa thể chủ động được nếu muốn vực dậy cần có cơ chế của Nhà nước rõ ràng hơn'.
Tăng trưởng tín dụng: Khó đạt
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng đã được giao, trường hợp có kế hoạch tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu thì báo cáo để Ngân hàng Nhà nước xem xét.
Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ nới hạn mức tín dụng 17%/năm cho những ngân hàng có hoạt động cho vay tốt, hiệu quả. Việc cho phép ngân hàng được tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đầu năm 2012 đến nay rất thấp. Nhiều ngân hàng khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Trước thông tin này, nhiều ngân hàng lại tỏ ra không hề quan tâm. Đối với họ, việc sử dụng hết hạn mức tín dụng hiện có đã là khó khăn lắm nói chi tới chuyện tăng thêm.
Đại diện Vietcombank cho biết, khả năng tăng tín dụng đến 17% như chỉ tiêu được giao là không thể. Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng của ngân hàng này chỉ tăng được 3,6% so với cuối năm 2011. Con số này đã cao hơn mức tăng trưởng 0,78% của toàn hệ thống. Tuy vậy, “đó chưa phải con số mong muốn của ngân hàng, từ 3,6% đến 17% là một khoảng cách xa dù ngân hàng đã 8 lần hạ lãi suất từ đầu năm đến nay và luôn có một lượng khách hàng thuộc hàng tốt nhất hệ thống.
Thậm chí, lãnh đạo Vietcombank cho biết, dù là ngân hàng nhóm 1 nhưng ngân hàng đã đăng ký con số tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 12%. Tuy nhiên, vị này vẫn lo lắng rằng “đến cả chỉ tiêu này không biết có đạt được không”.
Trong khi đó, tại Sacombank, 6 tháng đầu năm, tín dụng của Sacombank không tăng trưởng. Và mặc dù rất nhiều gói cho vay hỗ trợ lãi suất thấp nhưng trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng của Sacombank cao nhất chỉ khoảng 10%. Theo đó, trong những tháng cuối năm, lợi nhuận của Sacombank chắc chắn giảm do thu nhập từ lãi cho vay sẽ không nhiều.
Trong khi đó, HDBank cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này khoảng 7%, và trong năm nay cũng cố gắng để đạt được 15-17%.
Theo các ngân hàng, vấn đề hiện tại không phải là ngân hàng rót ra bao nhiêu vốn, lãi suất giảm nhiều chưa, mà là doanh nghiệp đã bớt yếu để tiếp tục sản xuất kinh doanh hay chưa. Theo đó, ngân hàng đang muốn đẩy tiền ra, nhưng cần có các biện pháp đồng bộ khác để kích cầu, còn nếu không, tín dụng sẽ rất khó tăng trưởng. Các biện pháp mà các ngân hàng đang làm chỉ là điều kiện đủ, còn điều kiện cần là doanh nghiệp phải bán được hàng, giải phóng được hàng tồn, điều này chưa dễ thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cho biết, hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TP.HCM đã được điều chỉnh giảm từ mức 17% xuống còn 8-10%, vì không thể đạt được chỉ tiêu cũ.
Với thực tế trên, thiện chí nới tín dụng của Ngân hàng Nhà nước gần như không có tác động gì nhiều tới các ngân hàng. Hiện nay, tất cả đều căng sức để hoàn thành mục tiêu được giao, chả ai đủ sức để “vượt rào” tăng trưởng.
Theo Vietnamnet