Ngày 17.10, Hội nghị thượng đỉnh châu Á lần thứ nhất đã bế mạc và đưa ra tuyên bố chung gồm 20 điều, nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác cùng phát triển giữa các nước châu Á.
Ngày 17.10, Hội nghị thượng đỉnh châu Á lần thứ nhất đã bế mạc và đưa ra tuyên bố chung gồm 20 điều, nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác cùng phát triển giữa các nước châu Á.
Đây được xem là một bước tiến lớn của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á (ACD), vốn trước đây chỉ diễn ra ở cấp bộ trưởng.
Tuyên bố chung Kuwait nhấn mạnh, trong thế giới hiện nay thì sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn. Do đó, việc hợp tác lẫn nhau là cần thiết và không chỉ giữa các nước với nhau mà cần có sự hợp tác giữa các tổ chức khu vực khác nhau trong châu Á.
Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh châu Á - Ảnh: Chí Nhân
Các nước cần hợp tác thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư cũng như tăng cường tính liên kết trong việc đầu tư ra ngoài châu lục; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính; đẩy mạnh liên kết giữa các trung tâm tài chính lớn của châu lục bằng việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, đồng thời giúp đỡ các nền kinh tế mới nổi để quản lý được rủi ro và khủng hoảng. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác về an ninh lương thực, năng lượng, giáo dục, y tế, biến đổi khí hậu… cũng không kém phần quan trọng.
Sắp tới, ACD sẽ nhóm họp để thành lập ra Ban thư ký để xúc tiến những hành động cụ thể và thiết thực hơn. Trụ sở của Ban thư ký ACD sẽ đặt tại Kuwait.
Hội nghị cũng thống nhất trong tháng 12 tới sẽ tổ chức Diễn đàn An ninh năng lượng (lần thứ 2) tại Pakistan và Diễn đàn về Văn hóa và Toàn cầu hóa tại Iran. Đến năm 2013, sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao về văn hóa tại Iran và hội nghị triển lãm về các mô hình thành phố thân thiện với môi trường.
Hội nghị các Bộ trưởng châu Á (mỗi năm một lần) lần tới vào năm 2013 sẽ diễn ra tại Tajikistan. Còn hội nghị thượng đỉnh châu Á lần thứ 2 - năm 2015, sẽ được tổ chức tại Thái Lan, hội nghị này sẽ được tổ chức theo chu kỳ 3 năm một lần.
Bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á (ACD) 2012, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh cho biết việc Kuwait đưa ra sáng kiến về huy động nguồn lực cho các dự án phát triển của các nước châu Á trị giá 2 tỉ USD và cam kết đóng góp 300 triệu USD là hành động rất cụ thể, tạo cú hích để các nội dung trao đổi của ACD chuyển thành các dự án với kết quả cụ thể.
Về phía mình, Việt Nam là sáng lập viên của ACD và là điều phối viên của hai lĩnh vực hợp tác xóa đói giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam đã tổ chức một số hội thảo chia sẻ kinh nghiệm với các nước thành viên ACD trên hai lĩnh vực này. Việc ta tham gia ACD còn tạo điều kiện tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam và nhiều nước thành viên khác, qua đó tăng cường hiểu biết và nâng cao vị thế Việt Nam trong khu vực.
Theo Thanhnien