Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Với số dân trên 1,4 tỷ người, Ấn Độ là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu xuất khẩu hàng hóa.
Việt Nam và Ấn Độ phấn đấu thương mại năm 2022 đạt 15 tỉ USD
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, nếu như năm 2000, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt 200 triệu USD thì đến năm 2021 con số này đã tăng lên 13 tỷ USD. Riêng quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,92 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 2,05 tỷ USD. Theo đó, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD.
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Ấn Độ là sắt thép; bông; ngũ cốc; thịt; hải sản; nhôm; các sản phẩm điện tử. Trong khi các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Ấn Độ bao gồm điện tử, hóa chất vô cơ, nhựa, đồng.
Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Với số dân trên 1,4 tỉ người, Ấn Độ có dung lượng thị trường lớn, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam.
Thời gian qua, hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ tăng nhanh từ mức 200 triệu USD (năm 2000) lên hơn 13 tỉ USD (năm 2021). Đặc biệt, chỉ trong 5 năm sau khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp đôi và mục tiêu của năm 2022 là 15 tỉ USD.
Giai đoạn hiện nay, khi cả Ấn Độ và Việt Nam đang thoát ra khỏi cái bóng của dịch COVID-19 và tập trung vào việc phục hồi kinh tế nhanh chóng. Vì vậy, đây chính là thời điểm vàng để tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn. Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu quả thanh long, các mặt hàng gia vị như quế, hồi, tiêu, thảo quả.
Ngược lại, doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư sản xuất sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu trở lại thị trường Ấn Độ. Do đó, trong quan hệ thương mại, Việt Nam và Ấn Độ vẫn còn nhiều dư địa cho hợp tác đầu tư và thương mại đối với sản phẩm nông sản cũng như hỗ trợ nhau về công nghệ chế biến.
Đẩy mạnh xuất khẩu cà phê và chè sang thị trường Ấn Độ
Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất khẩu chè và cà phê sang thị trường Ấn Độ, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm cà phê và chè sang thị trường Ấn Độ. Sự kiện được tổ chức trực tiếp tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến trên fanpage Cục Xúc tiến thương mại.
Tại phiên tư vấn, ông Bùi Trung Thướng – Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal, Bhutan) giới thiệu tổng quan thị trường các sản phẩm chè và cà phê tại Ấn Độ; vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm chè và cà phê sang Ấn Độ. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu tại Ấn Độ sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm kinh doanh với thị trường Ấn Độ.
Việt Nam và Ấn Độ tuy có điều kiện tự nhiên tương đồng nhưng là hai thị trường có thể bổ sung cho nhau. Với dân số trên 1,4 tỉ người, Ấn Độ là một thị trường tiêu thụ rất lớn. Việt Nam có thể xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng nông sản, trong đó có chè, cà phê.
Ấn Độ cũng đang là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới. Hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng Ấn Độ ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe và y học của các biến thể trà xanh và hữu cơ cũng góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường. Bên cạnh đó, khả năng chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng, cùng với các kênh bán lẻ trực tuyến đang phát triển, được dự đoán sẽ thúc đẩy thị trường chè của Ấn Độ tăng trưởng.
Là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới, Ấn Độ cũng là thị trường nhập khẩu chè lớn trên thế giới. Nhập khẩu chè của Ấn Độ ngoài việc để tiêu dùng tại thị trường nội địa còn nhằm mục đích tái xuất khẩu.
Đối với mặt hàng cà phê, Ấn Độ là nước sản xuất cà phê lớn thứ sáu thế giới. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, Indonesia, Uganda và Kenya để chế biến và tái xuất. Sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến Thương mại) nhận định, những đặc điểm trên của thị trường Ấn Độ chính là cơ hội để các doanh nghiệp chè và cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường nhiều tiềm năng này.
Thị trường Ấn Độ đang mở cửa mạnh mẽ qua việc vừa ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và trong năm 2022 có thể ký với một số quốc gia khác như Anh, EU, Canada, cộng đồng các nước vùng vịnh. Tuy nhiên, để kiểm soát chất lượng hàng hóa và đảm bảo sự công bằng trên thị trường, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành Quy tắc Hải quan (Quản lý Quy tắc xuất xứ theo Hiệp định Thương mại - CAROTAR năm 2020).
Do đó, các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp khi xuất khẩu vào Ấn Độ phải cung cấp thông tin chi tiết về quốc gia xuất xứ (COO) cho các cơ quan chức năng nước này để tiến hành thủ tục xác minh khi cần thiết.
Bảo Anh/KTĐU