Sự kiện hot
12 năm trước

Tăng tiền trợ giá xe buýt

Mỗi năm, tiền trợ giá cho xe buýt ở TPHCM sẽ tăng thêm 200 tỉ đồng khi thực hiện đề án đầu tư phát triển xe buýt giai đoạn 2012-2015

Mỗi năm, tiền trợ giá cho xe buýt ở TPHCM sẽ tăng thêm 200 tỉ đồng khi thực hiện đề án đầu tư phát triển xe buýt giai đoạn 2012-2015.

Theo đề án đầu tư phát triển xe buýt giai đoạn 2012 – 2015 vừa được Sở GTVT trình UBND TPHCM, dự kiến sẽ có 1.680 xe buýt mới được đưa vào sử dụng, nâng tổng số xe buýt ở TPHCM lên 3.100 chiếc, vận chuyển được 9,4% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, số tiền trợ giá mỗi năm dự kiến tăng thêm 200 tỉ đồng.

Tiền tăng, khách có tăng?

Trong 1.680 xe buýt mới, sẽ có 1.520 chiếc được thay thế cho các xe buýt cũ đang hoạt động trên các tuyến hiện hữu và đầu tư 160 chiếc mới cho 9 tuyến xe buýt mở đến các khu hành chính, khu dân cư mới. Trong đó, 300 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch (khí nén thiên nhiên - CNG) hoạt động trên 14 tuyến. Ngoài ra, đề án cũng tăng hoặc giảm nhiều xe buýt từ loại lớn sang nhỏ cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Sở GTVT cho biết khi đầu tư xe buýt mới theo đề án thì đơn giá chi phí/km tăng từ 1,2% đến 27,1% (tùy theo nhóm xe) so với đơn giá chi phí/km theo Quyết định số 23/2012 của UBND TP trước đây, kéo theo tiền trợ giá tăng thêm khoảng 200 tỉ đồng/năm, nếu giá vé và lượng hành khách vẫn giữ nguyên như hiện nay. Tuy nhiên, cũng theo sở này, khi đầu tư xe buýt mới, chất lượng phục vụ sẽ tăng, thu hút người dân sử dụng nên tiền trợ giá tăng thêm từ ngân sách sẽ không đến 200 tỉ đồng/năm.


Xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch phục vụ người khuyết tật với giá 2 tỉ đồng/chiếc được xã viên Liên hiệp HTX Vận tải TP mạnh dạn đầu tư và đưa vào hoạt động từ tháng 7-2012

Câu hỏi đặt ra là liệu tiền trợ giá tăng thì lượng khách có tăng theo? Bởi liên tục nhiều năm nay, tiền trợ giá cho hành khách đi xe buýt liên tục tăng: Năm 2011, mức trợ giá là 1.268 tỉ đồng, tăng 450 tỉ đồng so với năm 2010; theo kế hoạch, năm 2012 mức trợ giá cho xe buýt là 1.500 tỉ đồng, tăng 230 tỉ đồng. Nguyên nhân tăng chủ yếu do tiền lương cơ bản tăng 3 lần và giá nhiên liệu tăng nhiều lần.

Tuy tiền trợ giá tăng nhưng lượng khách lại có xu hướng giảm. Năm 2011 chỉ còn 316,4 triệu lượt khách, giảm khoảng 13 triệu lượt so với năm 2010. Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng - Sở GTVT, có nhiều nguyên nhân, như giá vé tăng; các công trình đào đường hạn chế tốc độ vận chuyển và làm thay đổi lộ trình hàng trăm tuyến khiến hành khách ngại đi xe buýt…

Ưu tiên kêu gọi xã hội hóa

Rút kinh nghiệm từ dự án 1.318 xe buýt trước đây, phần vốn Nhà nước bỏ ra quá nhiều, việc quản lý gặp nhiều khó khăn, với đề án lần này, Sở GTVT đề xuất Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay để tập trung kêu gọi xã hội hóa đầu tư xe buýt, thay vì tập trung giao cho đơn vị nhà nước là Công ty Xe khách Sài Gòn quản lý như trước đây.

Theo đó, nhà đầu tư trả trước 30% giá xe, phần còn lại 70% vay tại các tổ chức tín dụng. Về lãi suất, nhà đầu tư chỉ trả lãi cố định 5%/năm cộng với chi phí quản lý, phần còn lại Nhà nước cấp bù chênh lệch. Thời gian cấp bù chênh lệch lãi suất là 7 năm. Với lãi suất cho vay 15%/năm như hiện nay, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ lãi vay trong vòng 7 năm khoảng 650,5 tỉ đồng. 

Theo Sở GTVT, với chính sách đầu tư này, mức độ xã hội hóa cao, nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư ít hơn so với dự án 1.318 xe, chủ đầu tư có trách nhiệm hơn về trả nợ và lãi vay, đồng thời việc chuyển nhượng xe dễ dàng hơn nên khuyến khích được nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện đề án.

Chủ trương kêu gọi xã hội hóa ngành xe buýt hiện đang trên đà tiến triển, khi nhiều tư nhân mạnh dạn đầu tư xe mới, xe “sạch”. Trong đó, các xã viên Liên hiệp HTX Vận tải TP đầu tư hơn 10 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch; xã viên HTX 19-5 đầu tư hơn 10 xe buýt mới sàn thấp; Công ty Vận tải Phương Trang cũng đưa hơn 20 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch vào sử dụng… Thế nhưng để tư nhân mạnh dạn đầu tư nhiều hơn và bền vững hơn thì vẫn cần chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Hơn 1.000 xe buýt xuống cấp

Theo Sở GTVT TPHCM, xu hướng đầu tư xe buýt mới là tất yếu nhằm bảo đảm “Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với “Quy hoạch phát triển xe buýt của TPHCM đến năm 2025”, đồng thời giải bài toán “khách đi xe buýt đang bão hòa” do chất lượng xe đang xuống cấp trầm trọng. Chưa kể, dự án 1.318 xe buýt giai đoạn đầu đã qua gần 10 năm sử dụng đang xuống cấp và “ngáng chân” hành khách lên xe buýt. Song song với đề án này, nhiều kế hoạch khảo sát, điều chỉnh luồng, tuyến sẽ được triển khai cùng với việc đào tạo đội ngũ tài xế, tiếp viên, nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt, chắc chắn sẽ lôi kéo hành khách quay lại.

theo NLĐ


Từ khóa: