Tín dụng 2012 tăng trưởng rất thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 19/10/2012, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống là 2,77%. Điều này không chỉ khiến các ngân hàng khó khăn mà nền kinh tế cũng bị trì trệ vì thiếu nguồn vốn.
Tín dụng 2012 tăng trưởng rất thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 19/10/2012, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống là 2,77%. Điều này không chỉ khiến các ngân hàng khó khăn mà nền kinh tế cũng bị trì trệ vì thiếu nguồn vốn.
Áp lực tăng tín dụng là rất lớn nhưng làm điều đó không dễ. Một mặt phải hết sức cảnh giác với lạm phát mặt khác là lực cản từ khối nợ xấu chưa được giải tỏa.
Chống lạm phát chưa thể buông
Trong một tọa đàm gần đây, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, sau 10 tháng của năm 2012, lãi suất đã giảm tương đối mạnh. Trước đây, Thống đốc NHNN cho biết sẽ giảm mỗi quý 1% lãi suấ. Tuy nhiên, trên thực tế, lãi suất hạ nhanh hơn so với dự kiến. Đến nay, lãi suất huy động giảm sâu, lãi suất cho vay giảm 4-5% so với cuối năm 2011. Bên cạnh đó, có đến 90% các khoản cho vay cũ có lãi suất cao cũng đã được đưa về 15%. Trên một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, lãi suất còn được ưu tiên giảm sâu hơn.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm và đầu năm 2013, nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, các DN vẫn sản xuất trì trệ, nguy cơ đóng cửa và phá sản vẫn còn lớn. Chính vì thế, mong ước lớn nhất vẫn là giảm lãi suất và tiếp cận tín dụng nhiều hơn.
Đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cũng cho rằng, nhu cầu vay vốn, nhất là vốn trung và dài hạn của DN và người dân, là rất lớn. Khi nền kinh tế vào giai đoạn cuối năm và đầu năm mới áp lực hạ lãi suất, tăng tín dụng lại dâng lên.
Nói về điều này, chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, tới đây sức ép giảm lãi suất sẽ còn rất lớn nhưng địa dư gần như không còn.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, không còn dư địa hạ lãi suất. Vì mặt bằng lãi suất huy động đã cao hơn so với quy định. Vì thế, việc tiếp tục kiểm soát là con đường duy nhất, rất khó để có thể giảm thêm lãi suất.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đối với tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, việc mở rộng sẽ xem xét thận trọng trên cơ sở đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục giữ quan điểm kiểm soát chặt chẽ và hợp lý lãi suất.
TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ và nhận định, thành công lớn nhất về mặt chính sách của NHNN thay vì điều hành theo tăng trưởng kinh tế chuyển sang điều hành theo lạm phát mục tiêu. Do vậy, từ đầu năm 2012, NHNN đã chủ động đề xuất Chính phủ cho phép điều hành lượng cung tiền theo lạm phát.
Trong thời gian qua, dù chịu sức ép rất lớn từ việc giảm lãi suất, mở rộng tín dụng, nhưng NHNN vẫn tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát bằng cách bơm hút cung tiền một cách thận trọng. Qua đó góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát.
Đến thời điểm này vẫn luôn phải cảnh giác với lạm phát và không thể lơi là. Nếu như những tháng đầu năm lạm phát lõi chỉ ở mức 0,18% nhưng leo dần lên 0,85% cho thấy nguy cơ tái lạm phát đang rình rập. Nhất là những tháng cuối năm vào mùa sản xuất có thể tạo cú sốc nhất định nên việc tiếp tục thận trọng trong cung tiền giúp phòng ngừa tối đa lạm phát quay trở lại là hành động rất đúng đắn của NHNN.
“Nguy cơ lạm phát quay lại trong 2013 nếu tăng cung tiền là điều phải hết sức thận trọng”, ông Nghĩa nói.
Vẫn vướng nợ xấu
Lý giải tín dụng còn tăng thấp, đại diện NHNN cho rằng, mặc dù các ngân hàng có nhiều giải pháp nhưng do lực cầu nội cũng như ngoại yếu làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Mặt khác, do nợ xấu vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm khiến các ngân hàng trở nên thận trọng hơn trong cho vay làm phần nào ảnh hưởng đến mở rộng tín dụng.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giám sát theo dõi các TCTD thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và hộ dân. Trong đó tập trung vào giải quyết nợ xấu để khơi thông, quay vòng nguồn vốn. Vì thế, cần có tiếp tục có giải pháp giải phóng HTK. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đẩy nhanh cho phép bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn NHTM; Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm đến việc thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với riêng thị trường bất động sản, NHNN đề xuất có chính sách cho vay đối với người thu nhập thấp.
Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng: Nợ xấu là vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng và cũng là vấn đề cốt lõi nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Nếu không xử lý được nợ xấu thì không gỡ được đóng băng tín dụng, không gỡ được đóng băng tín dụng thì không thể nào hạ được lãi suất và các doanh nghiệp sẽ không thể dễ dàng tiếp cận được vốn giá rẻ.
Theo ông Nghĩa, đây là tâm lý bình thường của người giữ tiền và của người đi vay. Tâm lý này đã giết chết nhiều nền kinh tế. Nhật đã phải trả giá bằng đóng băng 18 năm trời. Mỹ đã bơm hàng ngàn tỷ USD để mua lại nợ xấu BĐS của các ngân hàng thương mại để đẩy tín dụng ra, ngay cả gói QE3 vẫn chỉ là mua nợ xấu bất động sản đã được chứng khoán hóa. Vấn đề đặt ra với Việt Nam là không gỡ được nợ xấu không phá được băng tín dụng, không thể hạ được lãi suất, không vay vốn được.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, tín dụng ngân hàng rất quan trọng, ảnh hưởng 82% với DN nội địa và đầu tư của khu vực, 32% khu vực đầu tư công. Tín dụng ngân hàng còn ảnh hưởng tới 28% FDI. Do đó, đóng băng tín dụng là thảm họa nền kinh tế.
Theo ông Nghĩa, để DN và ngân hàng tự xử lý nợ xấu thì trong một năm chỉ xử lý được giỏi lắm 1,5% đến 2%, mà tổng nợ xấu như NHNN công bố là khoảng 10%, chưa kể nợ của Ngân hàng Phát triển và nợ từ ngân sách. Như vậy, mất khoảng ít nhất 7 năm mới giải quyết được nợ xấu. Trong thời gian này, ngân hàng sẽ đóng cửa tín dụng, không cho vay mới, chỉ đi đòi nợ cũ hoặc đòi được bao nhiêu cho vay bấy nhiêu. Bên cạnh đó, ngân hàng tăng lãi suất lên bởi phải lo chi phí cho việc xử lý nợ xấu… “7 năm không tăng trưởng là đã đủ thời gian để giết chết một nền kinh tế. Trong khi đó, việc đồng thuận xử lý nợ xấu hiện đang rất yếu”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.
“Tôi khái quát kinh tế VN năm 2011 là thanh khoản, còn 2012 và 2013 là nợ xấu, không xử lý được nợ xấu sẽ chết”, ông Nghĩa cảnh báo.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh: “Nợ xấu ở mức thấp thì nên để ngân hàng tự xử lý, nhưng nợ xấu hiện đang ở tầm quốc gia thì phải quốc gia xử lý. Theo tôi, Chính phủ cần nhanh chóng vào cuộc trong vấn đề xử lý nợ xấu, như thành lập Công ty mua bán nợ xấu quốc gia hay Ủy ban xử lý nợ xấu quốc gia… Được biết, NHNN đã trình Chính phủ đề án xử lý nợ xấu và Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cùng tham gia để xây dựng một đề án tổng thể về vấn đề này. Đây là một bước đi đúng hướng”.
Ngọc Sơn
Theo Vietnamnet