Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng qua ước đạt 5,14% trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,2%; dịch vụ tăng khoảng 6,25%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng qua ước đạt 5,14% trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,2%; dịch vụ tăng khoảng 6,25%.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Tốc độ tăng trưởng này theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu là một con số chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
So với mức tăng 4,73% của cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2012, mức tăng GDP 3 quý đầu năm nay đã có sự cải thiện đáng kể và có sự nhích lên qua từng quý (quý I: 4,89%, quý II: 5%). Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng tốc độ tăng trưởng năm nay khó có khả năng đạt mục tiêu 5,5%.
Hiện nay, điều kiện kinh doanh tuy có cải thiện nhưng vẫn đầy khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp. Trong quý III, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với quý trước; có 19.323 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký gần 88.000 tỷ đồng, giảm 17% về lượng và 23% về giá trị so với quý II/2013.
Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước có 58.231 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký 281.359 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 22% về vốn.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động gần 11.300 đơn vị, chủ yếu tập trung vào ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng và công nghiệp chế biến chế tạo.
Điểm lạc quan là sản xuất công nghiệp đã có chiều hướng được cải thiện với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 5,3% trong 8 tháng đầu năm.
Về sản xuất nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp không ít khó khăn do thời tiết phức tạp. Bên cạnh đó, giá bán nhiều sản phẩm, nhất là sản phẩm chăn nuôi, thủy sản ở mức thấp trong khi nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao. Điều này gây khó khăn cho ngành chăn nuôi nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, khu vực và trong nước đã phần nào ảnh hưởng đến khu vực dịch vụ trong 9 tháng đầu năm 2013. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ 9 tháng đầu năm 2013 ước đạt 6,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Hiện khu vực này vẫn có mức đóng góp cao nhất vào tăng trưởng GDP. Trong đó, một số lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá như: dịch vụ thông tin và truyền thông, dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ vận tải và kho bãi.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 58,4 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ và chiếm 60,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhập siêu 9 tháng ước khoảng 124 triệu USD, bằng 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Riêng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu gần 4 tỷ USD (nếu tính cả dầu thô xuất siêu khoảng 9,4 tỷ USD).
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,06% so với tháng trước, tăng 4,63% so với tháng 12/2012. Nhóm hàng hóa tác động mạnh nhất đến CPI tháng này là giáo dục với mức tăng tới 9,38% (trong đó, dịch vụ giáo dục tăng 10,66%).
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Tang-truong-GDP-9-thang-dau-nam-uoc-dat-514/20139/217432.vnplus
Thúy Hiền
theo TTXVN