VDSC cho rằng các ngân hàng sẽ có thể duy trì tăng trưởng cho vay năm 2020 tương đương với năm 2019. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của VietinBank dự kiến sẽ thấp hơn do nhiều khả năng ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc tăng vốn.
Tăng trưởng tín dụng năm 2020 dự kiến ổn định so với 2019
Theo báo cáo chiến lược đầu tư 2020 của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2019 đã chậm lại đáng kể nhưng đang duy trì ở mức ổn định hơn so với tăng trưởng của năm 2018. Trong khi dư nợ tín dụng tăng chậm hơn một chút so với cùng kì.
Trong đó, mảng cho vay bán lẻ đang đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng chính ở hầu hết các ngân hàng và dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy tín dụng nói chung trong giai đoạn tới.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, cho vay bán lẻ mở rộng mạnh nhất tại VIB, TPBank, ACB và MBBank. VPBank và HDBank cũng chứng kiến sự tăng trưởng nhanh trở lại của mảng tài chính tiêu dùng kể từ quí II (với FE Credit) và quí III (với HD Saison).
Trong điều kiện kinh tế thuận lợi như hiện tại và các dấu hiệu phục hồi gần đây, VDSC cho rằng mảng tài chính tiêu dùng sẽ có thể duy trì tăng trưởng tích cực trong năm 2020.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng mở rộng tín dụng bằng việc tăng cường đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, với Techcombank, MBBank và TPBank duy trì tỉ trọng trái phiếu doanh nghiệp so với tổng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.
9 trong số 10 ngân hàng VDSC theo dõi, ngoại trừ VietinBank đã được chấp thuận áp dụng CAR Basel II (Thông tư 41), công ty chứng khoán này cho rằng các ngân hàng sẽ có thể duy trì tăng trưởng cho vay năm 2020 tương đương với năm 2019, thậm chí cao hơn với trường hợp của BIDV – ngân hàng mới được công nhận tuân thủ gần đây.
Trong khi đó, VietinBank nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc tăng vốn vào năm tới, do đó tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ còn thấp hơn so với năm 2019.
Năm 2020, VDSC cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức tương tự so với năm 2019, biên lãi ròng sẽ tiếp tục mở rộng một cách có chọn lọc và chi phí dự phòng sẽ được tiết giảm thêm ở một số ngân hàng. Nhiều ngân hàng có khả năng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận lõi từ 15% trong năm 2020, mức PB dự phóng ở 0,9 - 1,2 lần và ROE dự phóng là từ 20 - 24%.
Tăng trưởng của thu nhập lãi thuần chậm lại nhưng đã trở nên ổn định hơn
Năm 2019, NIM tiếp tục cải thiện ở nhiều ngân hàng nhờ mở rộng tài chính tiêu dùng (MBBank), cho vay ô tô và mua nhà (TPBank), tái cơ cấu danh mục đầu tư chứng khoán nợ (Vietcombank) hay đẩy mạnh LDR (HDBank). Các ngân hàng khác có NIM ổn định hoặc giảm nhẹ.
Từ cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, nhiều qui định mới về lãi suất, an toàn vốn, huy động, tài chính tiêu dùng đi vào hiệu lực. VDSC cho rằng các qui định này sẽ có tác động nhiều chiều đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Cụ thể, các qui định mới của NHNN sẽ hạn chế khả năng mở rộng biên lãi ròng của các ngân hàng quốc doanh (VietinBank nhiều khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất) trong khi tác động tới các ngân hàng tư nhân sẽ là đa chiều do đó sẽ có mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn (ACB và HDBank nhiều khả năng là những ngân hàng ít bị ảnh hưởng nhất).
Đặc biệt, VDSC hi vọng rằng các ngân hàng còn khả năng mở rộng tài chính tiêu dùng vẫn có cơ hội cải thiện NIM hơn nữa vào năm 2020.
Tuy vậy, VDSC cũng nhìn thấy cơ hội cho tất cả các ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng được duy trì tích cực, bởi cho vay vẫn là nguồn thu nhập chính của các ngân hàng và mở rộng tín dụng sẽ cho phép các ngân hàng bán chéo sản phẩm của họ (thẻ, thanh toán, bảo hiểm, dịch vụ trái phiếu…), từ đó đẩy mạnh thu nhập dịch vụ.
Hình minh họa.
Riêng đối với các ngân hàng quốc doanh, mặc dù dự kiến sẽ gặp thêm nhiều khó khăn về NIM, nhưng khó khăn về vốn cũng đang có khả năng được tháo gỡ nhờ việc bổ sung thêm các ngân hàng quốc doanh vào danh sách đối tượng có thể được tăng vốn từ ngân sách nhà nước và giảm giới hạn sở hữu nhà nước từ 65% về 51% dù thời gian hiệu lực còn chưa được xác định rõ.
Thu Hoài
Theo Kinh tế & Tiêu dùng