Sự kiện hot
11 năm trước

Tăng trưởng trái phiếu ở Việt Nam tiếp tục dẫn đầu Đông Á

Ngày 20/3/2014, Báo cáo Theo dõi Trái phiếu Châu Á mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, thị trường trái phiếu Việt Nam tiếp tục có mức tăng trưởng tại quý 4/2013 lớn nhất trong số các thị trường Đông Á mới nổi, với mức tăng 14,8%, giá trị tương ứng 29 tỷ USD.


Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo ADB, đây là mức cao kỷ lục của Việt Nam. Cụ thể, thị trường trái phiếu Chính phủ đã tăng 15,4% trong quý lên mức 28 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu công ty lại giảm 6,8% trong quý xuống còn 700 triệu USD, mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua.

Về vấn đề này, ADB cho rằng, “trên thực tế quy mô của thị trường trái phiếu công ty tại Việt Nam có thể lớn hơn con số này, bởi vì có một số lượng trái phiếu được phát hành thông qua những giao dịch riêng giữa các doanh nghiệp và ngân hàng.”

Quan sát chung khu vực Đông Á mới nổi, Báo cáo cho biết, thị trường trái phiếu khu vực vẫn được giữ vững trong quý IV năm 2013 trong khi bất ổn đe dọa các thị trường mới nổi khác, mặc dù lợi tức của hầu hết các trái phiếu chính phủ đã tăng trong tháng Một, đặc biệt là ở Indonesia, Philippines.

“Tỷ lệ nước ngoài nắm giữ các trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ của khu vực vẫn ổn định trong ba tháng cuối năm 2013 trong bối cảnh triển vọng vững vàng của kinh tế khu vực và lợi tức hấp dẫn hơn so với các thị trường khác,” ADB nhận định.

Hiện nay, Indonesia có tỷ lệ nước ngoài sở hữu trái phiếu cao nhất tính đến cuối năm 2013 với việc các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 32,5% lượng trái phiếu chính phủ chưa thanh toán, tiếp đó là Malaysia với 29,4%.

Được biết, các nền kinh tế Đông Á mới nổi được xác định bao gồm Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Xu hướng chung, các thị trường trái phiếu trong khu vực vẫn tiếp tục mở rộng về quy mô. Cho đến cuối năm 2013, khu vực có 7,4 nghìn tỷ USD trái phiếu chưa thanh toán, tăng 2,4% so với cuối tháng Chín năm 2013 và 11,7% so với cuối năm 2012. Thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong quý 4/2013 với mức tăng 14,8%.

Đáng chú ý, trong khi các chính phủ trong những năm gần đây có xu hướng phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ nhiều hơn là trái phiếu bằng ngoại tệ, thì khối công ty lại tranh thủ thu hút dòng vốn ngoại.

Năm 2013, khu vực đã bán một khối lượng kỷ lục trái phiếu bằng đồng USD, yen, euro trị giá 141,5 tỷ UDS, trong đó 128,4 tỷ USD được phát hành bởi các công ty thuộc khu vực.

Ông Iwan J. Azis, Trưởng Ban Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB nhấn mạnh: "Năm 2014 cho tới lúc này, các số liệu kinh tế tốt, lợi tức hấp dẫn và sự hồi phục của một số đồng tiền cho thấy Châu Á vẫn là nơi tốt nhất để đầu tư nhưng nguy cơ tác động dây chuyền cũng cao hơn so với trước đây.”

Tuy nhiên ông Iwan J. Azis cũng cảnh báo, để tránh bị cuốn theo tình trạng rối loạn chung của thị trường mới nổi do tác động của khủng hoảng từ một hoặc hai nền kinh tế, các chính phủ ở Châu Á cần thực thi các cải cách cơ cấu để củng cố sự vững vàng của các nền kinh tế và thúc đẩy năng suất tăng trưởng.

“Nguy cơ chịu tác động dây chuyền cao nhất đối với các quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và dự trữ ngoại hối thấp, trong khi những quốc gia đi vay có nợ đồng ngoại tệ ở mức cao sẽ dễ chịu tác động nhất nếu các đồng tiền này giảm giá,” ông Iwan J. Azis chỉ ra.

Linh Chi
theo Vietnam+

Từ khóa: