Sự kiện hot
5 năm trước

Tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh từ nguồn vốn Chính phủ: Thay đổi cuộc chơi?

Các "ông lớn" Big4 ngân hàng dự kiến sẽ được tăng vốn một phần tư nguồn vốn Chính phủ, điều này có thể không hưởng lợi ngay lập tức đối với Vietcombank và BIDV nhưng lại là vấn đề then chốt với VietinBank và Agribank.

Ảnh minh hoạ.

Trong năm 2020, một vấn đề hết sức quan trọng mang tầm chiến lược đối với các ngân hàng quốc doanh và vấn đề tăng vốn. Khi nhu cầu tăng vốn ở mức cấp thiết và các phương án khác trở nên không khả thi, bài toán tăng vốn đã được đẩy về phía Nhà nước.

Theo chủ trương của Chính phủ, các ngân hàng có vốn Nhà nước sẽ được tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại. 

Hiện nay, Chính phủ đề xuất sửa đổi dự thảo Nghị định 32 liên quan đến đầu tư/ thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Phần quan trọng nhất của dự thảo này là Chính phủ đề cập đến việc "duy trì tỉ lệ sở hữu Nhà nước" trong các ngân hàng thương mại quốc doanh, trong đó Chính phủ nắm giữ phần lớn cổ phần. 

Điều này có nghĩa là trong trường hợp ngân hàng phát hành quyền mua cổ phiếu, Nhà nước sẵn sàng góp vốn để duy trì tỉ lệ sở hữu và có thể thay cổ tức tiền mặt bằng cổ tức cổ phiếu

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán SSI, mặc dù trong ngắn hạn, Vietcombank hoặc BIDV có thể chưa hưởng lợi ngay lập tức, nhưng VietinBank và Agribank có thể có được điều họ đang tìm kiếm để tăng vốn. 

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành việc nâng vốn cho VietinBank và Agribank trong năm 2020 để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.

Trong năm 2020, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch phát hành để tăng vốn như: Vietcombank (tăng 6,3%), BIDV (tăng 14,1%), MBBank (tăng 7,5%), TPBank (tăng 6,8%), VIB (tăng 15,3%), VPBank (tăng 9,32%)

Tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh từ nguồn vốn Chính phủ: Thay đổi cuộc chơi? - Ảnh 1.
Ảnh minh hoạ.

Cùng với đó, SSI Research cũng cho rằng tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 sẽ cải thiện nhờ câu chuyện phục hồi tại một số ngân hàng, bao gồm BIDV và VPBank (do hoàn thành trích dự phòng cho trái phiếu VAMC) cũng như cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi tại các ngân hàng khác nhờ tăng NIM, tăng thu nhập bancassurance và thu nhập từ phí thanh toán.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với một số rủi ro. Cụ thể, việc thắt chặt qui định áp dụng Basel II sẽ làm tăng chi phí cho các ngân hàng. Ngoài ra, một đợt hình thành nợ xấu mới đang quay trở lại, do nợ xấu mới hình thành từ các khoản vay tiêu dùng, hoặc từ nợ xấu cũ đã được tái cơ cấu, nay được định giá lại. 

Trúc Minh

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: