Trong hai ngày 25 và 26 tháng 11, Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã trao quà từ thiện, trồng cây xanh tại nhiều địa điểm của xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Trong buổi chiều ngày 25/11, tại Chùa Chung Linh xã Phong Thịnh (Thanh Chương, Nghệ An), Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã tổ chức trao quà cho nhà chùa.
Tham dự buổi trao tặng quà có PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch VIASEE, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch VIASEE. Nhà báo Nguyễn Tường Quân, Chánh Văn phòng VIASEE, Ủy viên thường trực Hội đồng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường. Đại đức Thích Nhuận Quang - Trụ trì chùa Chung Linh, Thầy Nhuận Quán – Ban hộ tự Chùa Chung Linh. Ông Nguyễn Tư Nhâm – Bí thư Đảng uỷ, ông Nguyễn Hồng Nhâm – Chủ tịch UBND xã Phong Thịnh cùng đông đảo Phật tử địa phương.
Phát biểu tại buổi trao quà, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói: Chương trình hôm nay rất may mắn khi hội đủ những duyên lành mà chúng ta gặp nhau ở đây, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Ngày 24/11, chúng tôi có dự Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đến dự và nói chuyện, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề hiện nay, trong đó quan trọng nhất là làm sao giữ được văn hóa. Cho nên sau 75 năm (24/11/1946 -24/11/2021) đã tổ chức hội nghị về văn hóa.
Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc không còn. Cho nên đồng chí Tổng Bí thư kêu gọi làm sao mình giữ được văn hóa, chấn hưng nó, phát triển nó lên. Trong cái văn hóa ấy thì có cả Phật giáo. Chúng ta là những người con của Phật cần phải biết giáo lý. Ai đã từng đọc Bát nhã Tâm kinh thì thấy tất cả trong đó. Những ai đến với Phật thì rất quý.
Hội Kinh tế Môi trường cố gắng làm theo lời Đức Phật dạy, chúng ta làm bảo vệ môi trường, chúng ta cứu cả trái đất này, giữ cho được nơi đáng sống, nơi không có ô nhiễm.
Trong hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 hiện nay, vất vả nhất là các cháu học sinh, nhất là ở các lớp nhỏ việc học online còn nhiều khó khăn vì thiếu trang thiết bị máy móc. Hội Kinh tế Môi trường và Tạp chí Kinh tế Môi trường và các nhà tài trợ có một chút tấm lòng gửi đến người dân xã Phong Thịnh.
Hội Kinh tế Môi trường và Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng các nhà tài trợ đã trao tặng 1 bộ máy tính cho nhà chùa. Trồng cây xanh và động thổ xây dựng công trình công cộng trong khuôn viên Chùa Chung Linh.
Đại đức Thích Nhuận Quang - Trụ trì chùa Chung Linh rất xúc động khi đón nhận những món quà mà Hội Kinh tế Môi trường, Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng các nhà tài trợ đã trao. Đại đức Thích Nhuận Quang cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của Hội Kinh tế Môi trường, Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng các nhà tài trợ dành cho nhà chùa và mong muốn Hội Kinh tế Môi trường sẽ có nhiều chương trình ý nghĩa, gieo được nhiều mầm xanh hạnh phúc trên mọi miền đất nước.
Cũng trong buổi chiều 25/11, tại Trụ sở UBND xã Phong Thịnh, Hội Kinh tế Môi trường, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tổ chức trao tặng sữa và 5 quyển sổ tiết kiệm cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Tư Nhâm – Bí thư Đảng ủy xã Phong Thịnh, đây là xã miền núi khu vực I, thuộc vùng bán sơn địa của huyện Thanh Chương, thu nhập và đời sống của nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của đất nước, Phong Thịnh cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Địa phương đã xác định: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, chăm lo sự nghiệp giáo dục là trách nhiệm của Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và toàn thể nhân dân xã nhà. Vì vậy, dẫu trong bối cảnh địa phương đang gặp nhiều khó khăn nhưng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học ở các cấp học đã và đang được đầu tư, nâng cấp.
Hội Kinh tế Môi trường và Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng các nhà tài trợ đã trao 5 quyển sổ tiết kiệm và 5 thùng sữa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.
Các em học sinh mỗi người một hoàn cảnh, khó khăn riêng. Như em Hoàng Anh Cao lớp 3A trường Tiểu học Phong Thịnh có hoàn cảnh éo le khi bố mẹ chia tay, mẹ lại mắc trọng bệnh nằm điều trị tận miền Nam xa xôi, em ở với ông bà ngoại đã lớn tuổi. Vượt lên khó khăn, nghịch cảnh Cao đã cố gắng trong học tập, học lực em đạt loại giỏi. Đây chính là bông hoa tươi thắm mà Cao dành cho thầy cô và những người thân yêu của mình.
Cũng giống như Cao, Hoàng Thị Ngọc Thảo (lớp 2A, trưởng Tiểu học Phong Thịnh) cũng có hoàn cảnh éo le khi bố mẹ chia tay, bố bị tai nạn mất khả năng lao động, ba chị em ở với ông bà nội. Vượt lên hoàn cảnh, Thảo đã cố gắng trong học tập và cũng là tấm gương cho các bạn noi theo.
Các em học sinh khi nhận được những món quà từ Hội Kinh tế Môi trường và Tạp chí Kinh tế Môi trường đều rất xúc động và gửi lời cám ơn đến các bác lãnh đạo. Các em hứa sẽ cố gắng học tập chăm chỉ, xứng đáng là con ngoan trò giỏi và xứng đáng là những mầm xanh tương lai của đất nước.
Ông Nguyễn Hồng Nhâm – Chủ tịch UBND xã Phong Thịnh cũng rất xúc động và biết ơn khi Hội Kinh tế Môi trường và Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có sự quan tâm chia sẻ với địa phương.
Tiếp diễn hoạt động trao quà tại xã Phong Thịnh, sáng ngày 26/11, đoàn đã tổ chức trao quà tại Trường THCS Phong Thịnh.
Ông Nguyễn Xuân Tùng – Hiệu trưởng Trường THCS Phong Thịnh đã chia sẻ đôi nét về hoạt động giảng dạy của nhà trường trong năm học 2021-2022. Tuy đã được đầu tư nhưng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học của nhà trường vẫn còn nhiều hạn chế. Sự quan tâm chia sẻ của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường, các tổ chức Thiện nguyện đến với nhà trường và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn là nghĩa cử cao đẹp, góp phần làm cho môi trường giáo dục nhà trường ngày càng xanh sạch đẹp, các em học sinh có được điều kiện học tập tốt hơn.
Tại trường THCS Phong Thịnh, Hội Kinh tế Môi trường, Tạp chí Kinh tế Môi trường và các nhà tài trợ đã trao 5 bộ máy tính cho nhà trường. Đoàn cũng đã trồng cây tạo bóng mát trong khuôn viên nhà trường.
Tiếp tục hoạt động trao quà từ thiện, đoàn đã có mặt tại Trường tiểu học Phong Thịnh. Trường tiểu học Phong Thịnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch VIASEE chia sẻ, cách đây không lâu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào trồng 1 tỉ cây xanh. VIASEE có quỹ mang tên Gieo mần xanh hạnh phúc. Mầm xanh ở đây được hiểu là những mần non như các cháu học sinh đang học tập ở đây, là những mầm cây được trồng tại sân trường này, đấy là những mầm xanh rất cụ thể. Làm thế nào để các mầm xanh càng ngày càng phát triển lên, các cháu học sinh ngày càng phát triển lên.
“Đất nước mình trong xu thế phát triển chung, chúng ta phải đối chọi với những thách thức mới, như việc các cháu ngồi đây phải đeo khẩu trang. Chúng tôi về đây theo chương trình tài trợ của VIASEE và Tạp chí Kinh tế Môi trường đã đặt ra, mặc dù không được nhiều nhưng đây cũng góp một phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo tại nhà trường”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chia sẻ.
Đoàn đã trao tặng nhà trường 5 bộ máy tính, 50 thùng sữa và trồng cây tạo bóng mát trong khuôn viên trường.
Ông Hoàng Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phong Thịnh cám ơn những tình cảm mà đoàn đã dành cho nhà trường và hứa sẽ sử dụng hiệu quả trang thiết bị được trao tặng, sẽ chăm sóc cây xanh thật tốt để tạo môi trường xanh sạch đẹp.
Tiếp theo chương trình, đoàn đã đến trao quà gồm 50 thùng sữa và trồng cây xanh tại Trường Mầm non Phong Thịnh.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch VIASEE chia sẻ: Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, trong đó có Tạp chí Kinh tế Môi trường đã dự định tổ chức những hoạt động trao quà từ thiện. Tuy nhiên, vì lý do bất khả kháng đại dịch Covid-19 bùng phát, vì thế thời điểm này mới thực hiện được.
Lần này chúng tôi về với quê hương của Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931), vùng quê hương cách mạng này đã có nhiều đổi thay, nhiều bước tiến cùng đất nước. Hiện đất nước chúng ta đang cố gắng phát triển bền vững, trong đó xây dựng, đặc biệt là chấn hưng nền văn hóa của đất nước. Và giáo dục là bước đi tiên phong, luôn luôn phải thực hiện nhanh chóng để có được nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Chính vì thế khi đến với Phong Thịnh hôm nay, chúng tôi với quỹ Gieo mầm xanh hạnh phúc của VIASEE, mặc dùng còn nhỏ bé nhưng chúng tôi cũng mong muốn có những hành động thiết thực chung cho nền giáo dục, trong đó xã Phong Thịnh có được những điều kiện học online tốt hơn khi trong đại dịch Covid-19. Những bộ máy tính này sẽ giúp cho thầy và trò cấp tiểu học, trung học cơ sở dạy và học tốt hơn. Việc dạy và học tốt sẽ giúp cho việc khai tâm khai trí để các em lớn lên phát triển tốt cả về trí lực và thể lực, để trở thành con người tử tế, góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Chúng tôi tin tưởng chắc chắn mục tiêu đó sẽ sớm hoàn thiện và góp phần cho nền giáo dục, cho sự phát triển của nền văn hóa của dân tộc. Tôi mong rằng, thông qua các hoạt động này sẽ có thêm nhiều tổ chức và cá nhân đồng hành, thực hiện nhằm lan tỏa ra nhiều địa phương khác để chúng ta có thể gieo thêm nhiều mầm xanh hạnh phúc.
Hơn 20 năm trưởng thành và phát triển, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có những bước tiến vững chắc, những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng nền kinh tế xanh và bảo vệ môi trường của đất nước. Bên cạnh đó, một trong những hoạt động được VIASEE hết sức quan tâm đó là công tác xã hội, từ thiện với rất nhiều những chương trình mang tính nhân văn như: Hành trình về thăm Côn Đảo, Xuân ấm vùng cao, Hành trình tri ân về thành cổ Quảng Trị… đã để lại nhiều dấu ấn và tình cảm tốt đẹp trong quần chúng, nhân dân, góp phần sâu sắc và làm tô điểm thêm cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chúng ta “thương người như thể thương thân”.
Xuân Hòa
Theo Kinh tế Môi trường