Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Tập đoàn Dabaco đặt kế hoạch 569 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023

Doanh nghiệp đặt ra kế hoạch tổng doanh thu 24.562 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 569 tỷ. So với kế hoạch năm 2022, hai chỉ tiêu trên lần lượt tăng 9% về doanh thu và giảm 38% về lợi nhuận sau thuế.

CTCP Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC) vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về kế hoạch hoạt động kinh doanh trong năm 2023.

Cụ thể, doanh nghiệp đặt ra kế hoạch tổng doanh thu 24.562 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 569 tỷ. So với kế hoạch năm 2022, hai chỉ tiêu trên lần lượt tăng 9% về doanh thu và giảm 38% về lợi nhuận sau thuế.

Trong báo cáo triển vọng ngành chăn nuôi mới cập nhật ngày 23/12, Chứng khoán SSI cho biết, giá lợn hơi trung bình đã điều chỉnh về mức 53.000 đồng/kg (tăng 15% so với cùng kỳ) trong quý 4/2022. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng quý 4 năm 2021 là mức nền so sánh thấp khi hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa do đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Qua đó phản ánh nhu cầu khá yếu bất chấp kỳ vọng mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tiêu thụ thịt lợn nhiều hơn so với năm 2021.

Giá lợn hơi thường chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố thời vụ trong quý 4 và nhu cầu thường tăng trước kỳ nghỉ Tết. Năm nay nhu cầu dường như không tăng lên. Điều này một phần là do áp lực lạm phát.

Về mặt chi phí, giá các nguyên liệu ngô, lúa mì, đậu tương đều tăng và đạt đỉnh vào quý 2 năm 2022, sau đó giảm tốc trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn chưa hạ nhiệt bởi thường phải mất một khoảng thời gian nhất định để điều chỉnh giảm, trong bối cảnh các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phải chịu chi phí nhập khẩu cao trong một thời gian dài, và tình hình càng khó khăn hơn trong bối cảnh VND mất giá so với USD.

Chi phí sản xuất trung bình của trang trại hộ gia đình ước tính khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất trung bình của trang trại thương mại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg. Vì vậy, với giá lợn hơi bình quân 55.000 đồng/kg vào năm 2022, các hộ chăn nuôi hầu như không có lãi.

Các trang trại thương mại theo mô hình 3F (Feed-FarmFood) mặc dù không bị ảnh hưởng nặng nề như các trang trại hộ gia đình nhưng biên lợi nhuận vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước. Lợi nhuận của các trang trại thương mại hiện đang ở mức thấp nhất trong 5 năm qua.

Dữ liệu từ OECD cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người đã giảm so với mức tiêu thụ bình quân trước đại dịch, cụ thể giảm từ 31,4kg/người/năm vào năm 2018 xuống còn 26,8kg/người/năm vào năm 2022. Điều này cũng cho thấy khả năng con số này sẽ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ vào năm 2023.

Theo SSI, với sản lượng chăn nuôi tăng mạnh trong những tháng gần đây (tăng 12,4% so với cùng kỳ trong 11 tháng đầu năm 2022), nguồn cung lợn hơi khó có thể thiếu hụt trong năm 2023, với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt. Do đó, dự báo giá lợn hơi sẽ không tăng đột biến, kỳ vọng đạt khoảng 60.000 đồng/kg vào năm 2023 (tăng 10% so với cùng kỳ).

Về mặt chi phí, SSI dự báo chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ ổn định và bắt đầu giảm trong quý 2 năm 2023. Theo đó, các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2023. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là chất xúc tác cần theo dõi trong lĩnh vực này, vì hoạt động thương mại qua biên giới giúp hỗ trợ giá lợn hơi vào năm 2023.

Việc xuất khẩu lợn hơi chính thức sang Trung Quốc cũng có thể là yếu tố xúc tác. Tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra do còn nhiều quy định liên quan đến nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm. Các trang trại thương mại với “mô hình 3F” được tích hợp đầy đủ sẽ là đối tượng hưởng lợi chính nếu điều này được thông qua.

Hồ Quân
Theo KTDU

Từ khóa: