Nhiều thủ tục con liên quan đến lĩnh vực đầu tư sẽ được loại bỏ khi dự thảo Nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư do Bộ Tư pháp xây dựng, được Chính phủ thông qua.
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. (Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính năm nay.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 đã được Bộ Tư pháp tổ chức sáng 7/2, tại Hà Nội.
Dự thảo Nghị quyết sẽ đề xuất các nhóm giải pháp đơn giản hóa các quy định về thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư, công khai, minh bạch thủ tục hành chính và kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính.
Nhóm giải pháp đơn giản hóa sẽ tập trung xây dựng, chuẩn hóa quy trình thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi được phép hoạt động trên cơ sở loại bỏ các thủ tục không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và không hiệu quả trong quy trình đồng thời, áp dụng tối đa cơ chế một cửa liên thông tập trung đối với những giai đoạn thực hiện có cùng mục tiêu quản lý nh ưng liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau cùng thực hiện.
Bởi trên thực tế, các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án đầu tư được quy định trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 5 lĩnh vực chủ yếu là đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai và môi trường.
Tuy nhiên, các quy định lại không thống nhất, chồng chéo, trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn nên việc thực thi gặp nhiều khó khăn, lúng túng, dẫn tới cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các địa phương, các cơ quan giải quyết, dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.
Việc chuẩn hóa quy trình thủ tục hành chính này sẽ được thực hiện ngay từ giai đoạn đầu tiên của dự án, đó là chuẩn hóa, cụ thể hóa điều kiện thực hiện, trình tự thực hiện và kết quả thực hiện đối với từng trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất và chỉ định nhà đầu tư có sử dụng đất;
Đưa các nội dung xét duyệt của các thủ tục đăng ký đầu tư và thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư vào nội dung xét duyệt của các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đấu giá quyền sử dụng hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất để thực hiện cấp một lần cho nhà đầu tư, giảm sự trùng lặp, chồng chéo nội dung xét duyệt của các thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư; loại bỏ một số thủ tục con như thủ tục cấp giấy phép quy hoạch, thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, thủ tục cho phép lập dự án khảo sát đầu tư.
Cùng với đó, nhóm giải pháp liên quan đến công khai, minh bạch thủ tục hành chính và kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính được triển khai sẽ là biện pháp giúp tổ chức thực hiện tốt thủ tục hành chính trên cơ sở tăng cường phòng ngừa, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, tạo ra một sân chơi bình đẳng, tạo niềm tin cho tất cả cá nhân, tổ chức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, số lượng thủ tục hành chính mà các cá nhân, doanh nghiệp phải thực hiện từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi dự án đi vào vận hành dự kiến sẽ cắt giảm 12/34 thủ tục, đồng thời thời gian thực hiện thủ tục giảm xuống còn từ 80 đến 385 ngày làm việc thay vì từ 155 ngày đến 865 ngày hiện nay, tiết kiệm khoảng 50% thời gian và hơn 1.240 tỷ đồng chi phí thực hiện thủ tục hành chính của nhà đầu tư mỗi năm.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thẳng thắn nhìn nhận công tác kiểm soát thủ tục hành chính của một số cơ quan bộ, ngành, địa phương có biểu hiện trùng xuống, việc thực thi phương án đơn giản hóa theo 25 Nghị quyết của Chính phủ còn chậm, việc công bố công khai thủ tục hành chính ở các cấp chưa đồng bộ. Nhiều nơi còn đưa thêm những yêu cầu, điều kiện thành phần để bắt người dân, doanh nghiệp thực hiện và điều đáng nói là chi phí cho thực hiện thủ tục hành chính ở Việt Nam còn cao nhất thế giới.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sớm xây dựng, hoàn thiện Đề án Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan, tổ chức pháp chế các bộ, ngành và các địa phương thực hiện có kết quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; kịp thời xử lý những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức; tập trung thực hiện đơn giản hóa 696 thủ tục hành chính tại các Nghị quyết của Chính phủ năm 2010 và các thủ tục hành chính theo phương án đơn giản hóa được rà soát tại Quyết định 263/QĐ-TTg; kiên quyết thực hiện công bố, công khai thủ tục hành chính theo đúng quy định và xác định đây là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Bộ trưởng cũng đề nghị thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động thủ tục hành chính tại các đơn vị soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng như việc cho ý kiến, thẩm định thủ tục hành chính để ngăn chặn ngay từ khâu dự thảo những thủ tục không cần thiết, không hợp lý nhằm từng bước nâng cao chất lượng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm gánh nặng hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Chu Thanh Vân
theo TTXVN