Sự kiện hot
13 năm trước

Tàu biển du lịch có an toàn hơn?

Năm 2011, những chiếc thuyền du lịch lớn như Titanic vẫn “ăn nên làm ra” khi thu hút lượng khách kỉ lục: 16 triệu người. Những ông chủ tàu này luôn tuyên bố công nghiệp tàu bè ngày nay đã an toàn hơn so với thời con tàu Titanic cách đây 100 năm. Vậy sự an toàn đó được tính toán thế nào?

Năm 2011, những chiếc thuyền du lịch lớn như Titanic vẫn “ăn nên làm ra” khi thu hút lượng khách kỉ lục: 16 triệu người. Những ông chủ tàu này luôn tuyên bố công nghiệp tàu bè ngày nay đã an toàn hơn so với thời con tàu Titanic cách đây 100 năm. Vậy sự an toàn đó được tính toán thế nào?

Số liệu mập mờ

Tàu du lịch Costa Concordia đã mắc cạn rồi bị lật nghiêng ở bờ biển của Ý hồi tháng 1.2012 khiến 32 hành khách thiệt mạng. Ảnh: Reuters

Công ty GP Wild International, đơn vị chuyên nghiên cứu và tư vấn trong ngành công nghiệp tàu du lịch, công bố một báo cáo đầu năm nay rằng từ năm 2002-2011 có sáu hành khách và 22 thủy thủ đoàn thiệt mạng do những sự cố như va chạm hoặc hỏa hoạn trên tàu. Từ đó suy ra tỉ lệ tử vong trên mỗi triệu lượt đi của hành khách hoặc thủy thủ đoàn là 0,13. Trong khi đó, tỉ lệ tử vong trên mỗi triệu người sử dụng đường hàng không là 0.3. Con số này đo đạc trên toàn bộ các chuyến bay thương mại, ngoại trừ máy bay riêng của công ty hoặc cá nhân và máy bay vận chuyển quân sự.

Ngoài những con số, các chủ tàu khẳng định công nghệ đóng thân tàu, hệ thống dự báo thời tiết và thông tin liên lạc đã được cải tiến nhiều hơn so với thời Titanic.

Tuy nhiên, báo cáo của GP Wild International loại trừ những nguyên nhân tử vong ngẫu nhiên, như chết đuối sau khi lên tàu hoặc qua đời vì bệnh tật do hành khách chọn loại hình du thuyền vốn cao tuổi hơn các hình thức vận tải khác. Ngoài ra, số liệu của GP Wild chỉ được được thu thập từ báo chí và các nguồn công khai khác.

Ngoài ra, phó chủ tịch điều hành Hiệp hội tàu du lịch quốc tế (CLIA) Michael Crye nhận định: trong khi những thống kê an toàn đã không hoàn hảo thì ngành này cũng không có bộ dữ liệu an toàn nào. Mới đây, CLIA kêu gọi Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về tử vong và các đánh giá an toàn khác. Là cơ quan quản lý ngành tàu bè, bộ dữ liệu này do IMO thực hiện không hoàn chỉnh vì nhiều quốc gia không gửi báo cáo an toàn cho IMO. Cơ quan này cũng chẳng có cách nào bắt buộc các quốc gia thành viên phải tuân thủ.

Ngay cả khi các chủ tàu ghi nhận cẩn thận và gửi đánh giá vào cơ sở dữ liệu trung tâm thì việc quyết định tính an toàn của du thuyền tương quan với các loại hình vận chuyển khác vẫn không tách bạch. Tiêu chuẩn đánh giá hiện tại là tính toán lượt tử vong dựa quãng đường mà hành khách đi, với ý nghĩa rằng người ta càng đi xa thì càng mang nhiều rủi ro. Nhưng ngành công nghiệp du thuyền không thể thống kê theo kiểu này. Phần lớn hành khách du thuyền không sử dụng tàu như một phương tiện để di chuyển, mà chỉ họ chỉ muốn hưởng tiện nghi trên thuyền trong cuộc hành trình. So sánh về thời gian hành khách lưu lại trên thuyền sẽ khách quan hơn, tuy nhiên đây không phải là số liệu được công khai.

Tàu ngày càng lớn

Một xu hướng khác trong ngành du lịch trên thuyền lớn, đó là những con tàu du lịch ngày càng “phình ra”. Chủ tàu nhắm vào những khách hàng cao cấp, muốn xây dựng các con tàu như một resort nổi trên biển. Trong 13 con tàu du lịch cỡ lớn hạ thủy năm ngoái, bốn tàu có sức chứa ít nhất 2.500 hành khách.

Hồi tháng 3, công ty vận chuyển hàng hải Địa Trung Hải đã đặt hàng một con tàu du lịch dài 333 mét với sức chứa 5.700 hành khách. Vài ngày sau, công ty tàu du thuyền hoàng gia Caribbe (RCCL) đặt hàng một mẫu tàu khác có sức chứa 4.200 hành khách. Nữ hoàng của biển cả Titanic cách đây 100 năm dài 270 mét và có sức chứa 3.300 hành khách.

Ông Jacques Loiseau, chủ tịch Hiệp hội thuyền trưởng Pháp (AFCAN) lên án cái mà ông gọi là “xu hướng khổng lồ hóa” trong ngành này. Nhắc lại về tai nạn tàu Costa Concordia (Ý) hồi đầu năm nay, ông cho rằng “ngay cả trong những điều kiện tốt nhất thì với quy mô như thế cũng khó lòng cứu được tất cả mọi người”. Liên minh thương mại hàng hải Nautilus Internation (Thụy Sĩ) không phản đối những tàu lớn, nhưng bày tỏ quan ngại về kiểu thiết kế và xây dựng của tàu. “Cần phải xem xét công nghệ di tản vì những chủ tàu đã có thừa nhận việc thiếu phao và bè cứu sinh”.

Cảnh Toàn
Theo SGTT/WSJ, AFP

Từ khóa: