Tuyến metro đầu tiên từ trung tâm thành phố ra cửa ngõ Đông Bắc đã chính thức lỗi hẹn với người dân sau khi tăng vốn chóng mặt.
Tuyến metro đầu tiên từ trung tâm thành phố ra cửa ngõ Đông Bắc đã chính thức lỗi hẹn với người dân sau khi tăng vốn chóng mặt
Thông báo mới đây của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (BQLĐSĐT) về thời gian dự kiến đưa tuyến metro số 1 đi vào hoạt động khiến dư luận không khỏi âu lo. Metro số 1 đã điều chỉnh nâng tổng mức đầu tư (vốn vay ODA và từ ngân sách) từ 1,09 tỷ USD lên đến 2,07 tỷ USD nhưng thời hạn hoàn thành đã giãn nở thêm 4 năm so với dự kiến ban đầu. Vì sao ?
Tính toán thiếu, dự báo yếu
Tuyến metro số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, Bình Thạnh, 2, Thủ Đức, 9 của TP.HCM và huyện Dĩ An tỉnh Bình Dương. Trong đó có đoạn đi ngầm dài khoảng 2,6 km và đoạn đi trên cao dài hơn 17 km, bắt đầu từ Ba Son quận 1 qua Văn Thánh, Tân Cảng và chạy dọc xa lộ Hà Nội.
|
Tàu điện ngầm đã chính thức lỗi hẹn đến năm 2018
|
Dự án khởi công từ tháng 02/2008 với hạng mục xây dựng tường rào bảo vệ và san lấp mặt bằng depot Long Bình (quận 9). Riêng hạng mục chính theo kế hoạch ban đầu sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2009, hoàn thành vào năm 2013 và đi vào hoạt động từ đầu năm 2014.
Tuy nhiên, mới đây, BQLĐSĐT đưa ra thông tin, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2017 và đưa vào khai thác năm 2018 sau khi cùng liên doanh nhà thầu Sumitomo - Cienco 6 ký hợp đồng thực hiện gói thầu xây dựng đoạn trên cao và depot.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Khắc Huỳnh, Chánh văn phòng BQLĐSĐT cho rằng: “Nguyên nhân vì trong quá trình nghiên cứu lập dự án ban đầu, các đơn vị tính toán thiếu và chưa dự báo được hết một số yếu tố làm tăng giá, đặc biệt là vấn đề trượt giá các nguyên vật liệu xây dựng”
“Dự án được phê duyệt vào năm 2007, nhưng thực tế số liệu nghiên cứu cập nhật từ năm 2003 - 2006, trong khi giá nguyên vật liệu thực tế các năm từ 2007 - 2009 đã tăng khá cao, bình quân tăng 40%, thậm chí có loại tăng chóng mặt đến 100%. Cho đến thời điểm hiện tại, tổng vốn đầu tư đã tăng 126%, trong đó vốn đối ứng tăng 27%, vốn vay tăng 99%”, ông Huỳnh nói.
Cụ thể, trong quá trình lập làm rõ thiết kế cơ sở, khối lượng đầu tư dự án bị phát sinh do quy mô xây dựng tăng để đáp ứng yêu cầu thiết kế đầy đủ, an toàn. Bao gồm: tăng quy mô nối dài giữa tuyến số 1 với tuyến 3A (Bến Thành - Tân Kiên), tăng thiết bị nhằm đạt hiệu quả an toàn như bổ sung hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển tiên tiến của châu Âu, tăng số lượng toa xe, đặc biệt đầu tư khá đầy đủ cho xưởng bảo trì sửa chữa tòa nhà trung tâm điều khiển cho cả 6 tuyến metro.
Sẽ không tăng vốn nữa?
Theo BQLĐSĐT, yếu tố trượt giá trong vấn đề tăng vốn ở tuyến metro số 1 cũng tương tự các dự án sử dụng vốn trong nước và các dự án khác do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Đây là nguyên nhân khách quan phải chấp nhận vì có nhiều vấn đề về tính toán mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam.
|
Sơ đồ tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của TP.HCM
|
Lý giải cho việc vốn tăng “chóng mặt” và lùi thời hạn hoàn công của dự án, ông Huỳnh cho rằng, chi phí tăng thêm nhiều nhất là phần dự phòng trượt giá xây dựng đến khi hoàn thành công trình (năm 2019).
Việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư tăng 126% như vậy sẽ mang tính chất dự phòng đủ cho đến khi hoàn thành công trình, không cần phải điều chỉnh nhiều lần như các dự án trước đây. Như vậy, cho đến lúc hoàn thành, metro số 1 sẽ không phải xin phê duyệt tăng vốn về các phát sinh nữa.
Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã được UBND TPHCM gia hạn 2 lần về thời gian bàn giao mặt bằng để triển khai dự án nhưng các quận, huyện vẫn chưa thực hiện xong. Ngay sau khi ký kết hợp đồng gói thầu số 2 (xây dựng đoạn đi trên cao và depot) của dự án, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh, dự án này là một trong những công trình trọng điểm nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Tuyến tàu điện ngầm số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7 km. Toàn tuyến có 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km. Bản thiết kế của tàu điện ngầm hoạt động trên tuyến Metro số 1 dự kiến có 6 toa với số lượng hành khách có thể chuyên chở được là 942 người (trong đó có 312 chỗ ngồi).
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, lưu lượng hành khách chuyên chở của metro số 1 khoảng 162.000 lượt người/ngày giai đoạn 2014 - 2020, sau đó nâng lên khoảng 635.000 lượt/ngày vào năm 2030 và 800.000 lượt/ngày vào năm 2040. Theo thiết kế, thời gian đi từ đầu đến cuối tuyến khoảng 29 phút, tương đương vận tốc 39 km/giờ. Dự kiến tàu sẽ hoạt động khoảng 20 giờ/ngày với thời gian giãn cách giữa các chuyến là 5 - 6 phút. Đoạn đi trên cao của tuyến metro số 1 dài hơn 17 km, bắt đầu từ Ba Son, quận 1 qua Văn Thánh, Tân Cảng và chạy dọc xa lộ Hà Nội.
|
Quốc Quang
theo VietnamNet