Lãnh đạo Techcombank nói rằng, để nắm lợi thế cạnh tranh bền vững và đi đầu về sản phẩm dịch vụ, ngân hàng phải “dám” đầu tư vào công nghệ và đầu tư một cách “thông minh”, nhất là trong bối cảnh khó khăn, bởi chi phí thường đắt đỏ và hiệu quả sẽ rất thấp nếu không được đầu tư đúng đắn.
Lãnh đạo Techcombank nói rằng, để nắm lợi thế cạnh tranh bền vững và đi đầu về sản phẩm dịch vụ, ngân hàng phải “dám” đầu tư vào công nghệ và đầu tư một cách “thông minh”, nhất là trong bối cảnh khó khăn, bởi chi phí thường đắt đỏ và hiệu quả sẽ rất thấp nếu không được đầu tư đúng đắn.
Hơn 10 năm về trước, ban lãnh đạo Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đứng trước một quyết định quan trọng: dốc sức tạo bước đột phá về công nghệ. Đó là năm 2001 khi họ đầu tư cho hệ thống ngân hàng lõi (core banking).
Quyết tâm và dốc sức bởi nhiều lẽ. Hệ thống core banking tại thời điểm đó còn quá mới mẻ, những giá trị của nó chưa thể hiện nhiều tại Việt Nam để kiểm chứng, và đặc biệt là gắn với một chi phí quá lớn. Một khoản đầu tư lên tới 20% vốn điều lệ rõ ràng là một quyết định khó khăn. Techcombank đã làm và họ nhanh chóng trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tạo được thế mạnh vượt trội về công nghệ, khi áp dụng thành công hệ thống core banking của Temenos (Thụy Sĩ).
Ông Phùng Quang Hưng, Giám đối Khối Công nghệ và Vận hành của Techcombank cho biết: “Sử dụng công nghệ có thể tạo nên vị thế dẫn đầu trong sản phẩm dịch vụ có thể là điều dễ nhận biết. Nhưng quan trọng là ngân hàng nào có đủ tiềm lực, “dám” đầu tư vào công nghệ và biết cách đầu tư một cách thông minh bởi chi phí và nguồn nhân lực luôn là vấn đề lớn, đặc biệt trong thị trường VN”.
Ông Phùng Quang Hưng
Thưa ông, yêu cầu cho đầu tư công nghệ tại Techcombank cụ thể là như thế nào?
Như tên của ngân hàng - Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, chúng tôi đã và đang dùng công nghệ để tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho ngân hàng. Chiến lược công nghệ luôn là một phần không tách rời với chiến lược phát triển kinh doanh, là nền tảng vững chắc cho việc vận hành, quản trị rủi ro của Techcombank và đưa đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tiện ích nhất dựa trên công nghệ tiên tiến nhất.
Ngân sách trung bình mỗi năm Techcombank chi riêng cho việc đầu tư công nghệ vào các hệ thống liên quan đến sản phẩm, tiện ích mới là khoảng 15 triệu USD/năm. Mức đầu tư này được duy trì kể cả trong tình hình kinh tế đang khó khăn như hiện nay. Bên cạnh đó, để thực hiện thành công chiến lược phát triển công nghệ, Techcombank đã mời rất nhiều chuyên gia cao cấp từ các ngân hàng hàng đầu trên thế giới như HSBC, Citibank… về làm việc.
Có thể xem công nghệ là một cuộc đua liên tục trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam. Đối với Techcombank, đâu là những lợi thế trong cuộc đua?
Chúng tôi đi trước và luôn quyết tâm dẫn đầu. Ngay từ rất sớm Techcombank đã xác định công nghệ là một trong những nền tảng quan trọng nhất cho sự phát triển của ngân hàng và đã có những khoản đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này. Cho đến nay chúng tôi vẫn luôn cam kết đầu tư và duy trì được ưu thế tiên phong.
Ở khía cạnh nguồn nhân lực, chúng tôi có một đội ngũ chuyên gia và kỹ sư công nghệ nhiệt huyết và có trình độ cao, tích lũy nhiều năm kinh nghiệm trong công nghệ ngân hàng kết hợp với các thực tiễn quản lý công nghệ quốc tế. Theo tôi đó là một yếu tố rất quan trọng để tạo ra năng lực lựa chọn, phát triển và triển khai các công nghệ một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.
Ông có thể nói cụ thể hơn ở một số sản phẩm, dịch vụ…
Những dự án về việc nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới là một trong 2 chương trình đầu tư chính yếu về công nghệ của Techcombank... Về mặt dịch vụ, chúng tôi đã triển khai hàng loạt các dự án tự động hóa các hoạt động kinh doanh cốt lõi như phê duyệt tín dụng, phát hành và thanh toán LC, chuyển tiền và kiều hối… nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi của khách hàng, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc của nhân viên và giảm thiểu rủi ro trong họat động. Đặc biệt Techcombank đang triển khai hệ thống quản lý quan hệ khách hàng tiên tiến nhất để giúp các nhân viên có thể chăm sóc khách hàng chu đáo và đồng nhất qua mọi kênh.
Bên cạnh đó, Techcombank cũng liên tục đầu tư công nghệ vào cải tiến cũng như đưa ra các sản phẩm mới, như Ngân hàng điện tử, ATM, sản phẩm trên điện thoại di động đến các hệ thống cho phép định giá và xử lý các sản phẩm cấu trúc phức tạp liên quan đến thị trường tài chính và thị trường vốn. Ví dụ, trong năm vừa qua chúng tôi đã triển khai thành công việc sử dụng ngân hàng trực tuyến trên nhiều thiết bị khác nhau bên cạnh máy tính cố định như iPad, iPhone, và trên nhiều trình duyệt như: Internet Explorer, Safari, Firefox.
Đặc biệt sắp tới chúng tôi sẽ triển khai các ứng dụng Thanh toán không dùng thẻ nhằm gia tăng sự thuận tiện cho các khách hàng trong hoạt động thanh toán.
Thanh toán không dùng thẻ? Techcombank đã lường trước những rủi ro về bảo mật thông tin có thể xảy ra?
Vấn đề an ninh thông tin là vấn đề chúng tôi quan tâm hàng đầu hiện nay bởi chúng tôi hiểu các hành vi phạm tội trong lĩnh vực này đang rất tinh vi. Ở mỗi một sản phẩm, mỗi ứng dụng, chúng tôi đều đầu tư vào các giải pháp an ninh thông tin hàng đầu thị trường cũng như tiến hành các qui trình đảm bảo và kiểm thử kỹ lưỡng về mặt an ninh thông tin. Ví dụ chúng tôi tuân thủ các tiêu chuẩn về an ninh thông tin quốc tế như PCI DSS trong lĩnh vực thanh toán thẻ, hay ứng dụng công nghệ xác thực nhiều yếu tố của công ty bảo mật hàng đầu thế giới như RSA.
Chúng tôi sẽ không vội vã đưa các sản phẩm và tính năng mới ra thị trường nếu chưa thực hiện đảm bảo về an ninh thông tin và đối với ứng dụng ở trên khách hàng sẽ có thể yên tâm về mặt an toàn kể cả khi mất điện thoại di động
Xin cảm ơn ông.
Theo Thanhnien