Năm 2020, Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế chỉ tăng 1% lên 13.000 tỉ đồng. Đồng thời, ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 với mục tiêu dư nợ tín dụng 291.586 tỉ đồng, tăng trưởng 13% hoặc cao hơn trong hạn mức NHNN cho phép.
Ngân hàng dự kiến huy động vốn đạt 268.820 tỉ đồng, tăng trưởng 13%. Tổng tài sản 431.483 tỉ đồng, tăng trưởng 12% so với cuối năm 2019.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 13.000 tỉ đồng, tăng 1%. Tỉ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 3%.
Trong năm 2020, Techcombank dự kiến mở rộng cách tiếp cận theo mô hình sinh thái cho chuỗi giá trị hàng hóa tiêu dùng nhanh và giảm sự phụ thuộc chuỗi nhà ở (ReCoM).
Trong chuỗi giá trị bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tập trung vào các phân khúc ít rủi ro như người mua nhà ở, các giai đoạn bán và giao hàng của dự án trong khi với giai đoạn xây dựng thì tập trung cho vay nhà thầu để phân tán rủi ro.
Về quản trị rủi ro và vận hành, Techcombank tiếp tục áp dụng và triển khai các hoạt động thay đổi cấu trúc dư nợ khi chuyển trọng tâm tăng trưởng từ khối ngân hàng bán buôn sang khối ngân hàng bán lẻ để đa dạng hóa bảng phân phối, tăng biên lợi nhuận (NIM) và tăng tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II, tích cực xử lí các vấn đề rủi ro hoạt động để đảm bảo vận hành của ngân hàng.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) Techcombank cũng dự trình phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành, bán cổ phần cho người lao động theo chương trình ESOP và điều chỉnh giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, vốn điều lệ của Techcombank dự kiến tăng từ 35.001 tỉ đồng lên 35.049 tỉ đồng. Giá phát hành 10.000 đồng/cp.
Ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP trong quí III và quí IV/2020. Số tiền thu được từ việc phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho ngân hàng.
Thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát năm 2020 dự kiến tăng từ 32 tỉ đồng lên 34 tỉ đồng và không có thù lao thành tích.
Thu Hoài
Theo Kinh tế & Tiêu dùng