Đứng từ trên cao nhìn xuống dòng thác và dòng sông bên dưới, toàn cảnh thiên nhiên Thác Bản Giốc hiện hữu trước mắt.
Đứng từ trên cao nhìn xuống dòng thác và dòng sông bên dưới, toàn cảnh thiên nhiên Thác Bản Giốc hiện hữu trước mắt.
Sương sớm vẫn còn vương làm cả thung mờ mờ ảo ảo một màu. Lúc này mới 6h sáng, chúng tôi háo hức xuống với thác. Trời còn quá sớm, nhất là khi màn hơi nước nơi đây bao trùm lên toàn cảnh vật khiến cho cả thung lũng mờ mờ, nhà cửa hai bên đường vẫn còn đóng im ỉm, thi thoảng có tiếng sủa của vài chú chó nhà.
Tiếng thác ầm ào vang vọng từ rất xa. Từ trên con đường nhựa mới được trải, đã có thể nhìn thấy dòng thác khổng lồ đang dữ dội tung bọt trắng xóa. Dòng sông Quây Sơn vốn hiền hòa là thế, chảy yên bình uốn lượn qua vô vàn những làng mạc, đem lại nguồn nước dồi dào cho cả hai quốc gia Việt Nam – Trung Quốc, dòng sông đổ xuống từ độ cao trên 35m giữa con đường biên giới hai nước, tạo thành thác Bản Giốc nổi tiếng. Với độ cao 53 m, rộng 300 m, thác có 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi, tạo thành một màn bụi nước trắng xóa.
Dòng thác đổ như những dải lụa dịu dàng, tạo khung cảnh nên thơ trữ tình cho vẻ đẹp non nước Cao Bằng. Khi hè tới, dòng sông Quây Sơn dồi dào, dòng thác mới thực sự phô diễn hết vẻ đẹp hùng vĩ và mạnh mẽ. Làn hơi nước bắn ra từ thác gặp nắng, tạo thành những chiếc cầu vồng 7 sắc cực kì lạ mắt và kì thú.
Dưới chân thác là mặt sông rộng, với hai bên bờ là những thảm cỏ và vạt rừng nguyên sinh. Nước bắn từ rất xa, trời như đang trong trận mưa rừng mãi không dứt. Ruộng đồng thẫm nước, cây cỏ thẫm nước, vạn vật thẫm nước. Những cây gỗ, cây tre bắc qua sông thẫm nước, trơn trượt. Tiếng thác đổ dữ dội như một giàn nhạc gồm toàn bộ là nhạc cụ trống được đánh cùng một lúc. Mầu xanh của lúa, của rừng, màu trắng của thác nước, màu nắng và màu cầu vồng, tạo nên những mảnh ánh sáng đẹp mắt cho dòng thác lớn.
Đứng từ trên cao nhìn xuống dòng thác và dòng sông bên dưới, toàn cảnh thiên nhiên hiện hữu trước mắt. Phía bên phần lãnh thổ Việt Nam là làng mạc giản dị, những ngôi nhà sàn đơn sơ, làng mạc, ruộng nương giản dị. Phần thác của vùng đất này chưa được khai thác nhiều về du lịch, vẫn còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ. Trong khi phía bên bờ bên kia nước bạn, thác bản Giốc đã được biết tiếng từ lâu, thu hút rất đông khách du lịch. Nhà cửa và các cửa hàng mọc san sát bên bờ sông, các dịch vụ nước bạn cũng khá phong phú...
8h sáng, khách đến thăm thác Bản Giốc khá đông. Những mảng bè du lịch đi lại tấp nập. Thác Bản Giốc được coi là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia (Sau thác Iguazu giữa Brazil - Argentina, thác Victoria nằm giữa Zambia- Zimbabwe; và thác Niagra giữa Canada và Mỹ), nhưng đa số những du khách ở Việt Nam ghé thăm thác chủ yếu là những người đi du lịch bụi hay những nhóm du lịch đến khảo sát tour.
Nhìn dòng người xuống thuyền, du ngoạn sơn thủy trên dòng Quây Sơn, ao ước rằng một ngày nào đó, địa danh nơi biên cương của tổ quốc sẽ là điểm đến thu hút đông đảo du khách đến thăm.
Dòng thác vẫn miết mải ầm ào đổ xuống trong khung cảnh rộn rã nói cười.
Rời thác Bản Giốc khi đã quá trưa, chúng tôi trở lại với Cao Bằng. Trong lòng không khỏi nuối tiếc vì thời gian ở lại vùng đất địa đầu tổ quốc này quá ngắn ngủi, chưa kịp thưởng hết cảnh sắc hùng vĩ nhất của non nước Cao Bằng khi chiều xuống và đêm về. Nghe nói, mỗi khi trời nắng, đi bè dưới dòng Quy Sơn có thể nhìn thấy cầu vồng trên thác nước, một khung cảnh ngoạn mục được vẽ bởi thiên nhiên.
Bóng chiều đang dần buông, nắng đã ngả trên những ngọn núi nhấp nhô. Tiếng mõ trâu long cong, lốc cốc. Những đứa trẻ vừa lùa đàn trâu về vừa nô đùa ríu ran. Khung cảnh tĩnh của một vùng sơn cước, không có tiếng động cơ xe máy ồn ã, không tiếng còi xe, không khói bụi mịt mù.. Lác đác vài ngôi nhà thổi lửa, khói bếp lơ lửng trên những mái gianh. Những người dân lặng lẽ trở về nhà sau một ngày lao động.
Một cơn mưa ồn ã của mùa hè sầm sập phía sau lưng. Con đường về thấp thoáng trong mưa. Đâu đó, tiếng lũ trẻ hò hét, tắm mình dưới cơn mưa mùa hè mát lạnh.
Lam Linh
Theo DatViet