Sự kiện hot
9 năm trước

Thái Nguyên triển khai các biện pháp sản xuất chè an toàn

ĐS&TD - Là địa phương nổi tiếng về thương hiệu chè của cả nước, Thái Nguyên đang khẩn trương áp dụng các quy trình kỹ thuật, thực hiện đồng bộ các giải pháp để sản xuất chè an toàn, nâng cao hơn nữa chất lượng của sản phẩm chè nơi đây.

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thái Nguyên, đến hết năm 2014 toàn tỉnh có 565.435 ha diện tích chè sản xuất an toàn, đã cấp giấy chứng nhận cho 41 cơ sở đủ điều kiện sản xuất cho 1.490 hộ tham gia tại 7 huyện. Để sản xuất chè an toàn, Thái Nguyên áp dụng quy trình kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Trồng trọt, Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc. Tính sơ bộ, chi phí chứng nhận chè an toàn cho 1 ha tại tỉnh thái nguyên khoảng 6 triệu đồng không bao gồm chi phí lấy mẫu đất, nước. Toàn tỉnh Thái Nguyên có 514 hộ có diện tích từ 1 ha đến 2 ha, dưới 3 ha có 57 hộ.

Kiểm soát các cơ sở kinh doanh thuốc bảo BVTV

Trong năm 2014 Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Thái Nguyên đã tổ chức 01 đợt thanh tra và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật đối với các cơ sở buôn bán thuốc Bảo vệ thực vật.

Cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 195 cơ sở trên tổng số 856 cơ sở buôn bán thuốc BVTV, phát hiện 41 cơ sở vi phạm (có cơ sở vi phạm từ 2 lỗi trở lên. Phạt tiền 41 trường hợp với tổng số tiền phạt, nộp kho bạc nhà nước 70 triệu đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục BVTV tổ chức 1 đợt kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV trên cây rau, kết quả đã kiểm tra 125 trường hợp và phát hiện 52 người vi phạm, có trường hợp vi phạm từ 2 lỗi trở lên. Các lỗi vi phạm chủ yếu: Sử dụng không đúng thuốc, sử dụng không đúng nồng độ liều lượng, sử dụng không đúng cách, sử dụng không đúng lúc, không đảm bảo thời gian cách ly.

Tổ chức tập huấn, tuyên truyền pháp luật cho 730 người buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có chứng chỉ hành nghề tại 9 huyện, thành phố, thị xã. Kết thúc khóa tập huấn cơ bản người buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đã nắm được những điểm mới quy định của pháp luật trong hoạt động buôn bán thuốc.

Cơ quan quản lý cũng đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cho 13 cơ sở buôn bán thuốc Bảo vệ thực vật.

Về công tác dự báo sâu bệnh, ngay từ đầu vụ sản xuất, Chi cục BVTV đã có phương án bảo vệ thực vật, dự báo sâu bệnh vụ Xuân, thông báo về tình hình dịch hại trên các cây trồng chính.

Các trạm BVTV các huyện, thành phố, thị xã đã nắm chắc cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, chủ động xác định tuyến, điểm điều tra định kỳ, điều tra mở rộng. Thường xuyên bám sát đồng ruộng theo dõi, phát hiện sớm và dự báo đầy đủ, chính xác tình hình phát sinh gây hại, diện phân bố và mức độ gây hại của các đối tượng dịch hại trên các cây trồng chính trên địa bàn phụ trách. Phòng Kỹ thuật đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với trạm BVTV các huyện, thành phố, thị xã thực hiện điểu tra bổ sung trước mỗi lứa sâu, trước các cao điểm sâu bệnh. Thực hiện tổng hợp tình hình gửi thông báo định kỳ, thông báo tháng, báo cáo vụ về cơ quan chuyên ngành cấp trên.

Kết quả 100% (9/9 trạm BVTV thuộc Chi cục) đã thực hiện tốt công tác điều tra dự tính, dự báo dịch hại và gửi đầy đủ các thông báo định kỳ, thông báo tháng về Chi cục theo đúng qui định, đảm bảo thời gian, chất lượng thông báo. Tính đến ngày 3/6/2015, chi cục BVTV đã gửi 20 thông báo định kỳ 7 ngày, 5 thông báo tháng, đảm bảo số lượng và chất lượng theo quy định. Các đối tượng sâu bệnh như: Bệnh đạo ôn, rầy nâu nhỏ, rầy lưng trắng, rầy nâu hại trên lúa, rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi.hại trên chè và sâu bệnh hại trên các cây ăn quả, cây màu đều được phát hiện chính xác và thông báo kịp thời đến các đơn vị liên quan và các địa phương để tổ chức phòng trừ đạt hiệu quả.

Về công tác khuyến nông chè an toàn, từ năm 2012 đến hết năm 2014 công tác chuyển giao tiến bộ trong sản xuất chè cho các hộ nông dân tham gia với các nội dung: trồng, chăm sóc, thu hái bảo quản chè theo hướng VietGAP và an toàn thực phẩm ở 203 lớp cho 11.309 lượt người tham gia, tổng kinh phí 3.300 triệu đồng.

Thái Nguyên đã triển khai 37 mô hình sản xuất chè an toàn chứng nhận VietGAP trên địa bàn, với 578 ha với 1.555 hộ tham gia, hiện tại các hộ nông dân tham gia đang quản lý tốt về mặt kỹ thuật, thu hái và kinh nghiệm chế biến chè để đật hiệu quả cao nhất trên một đơn vị diện tích.

Tăng năng suất đi kèm với chất lượng

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, dự kiến đến năm 2020, diện tích chè toàn tỉnh đạt trên 22.000 ha, năng suất chè búp tươi 12 tấn/ ha; sản lượng chè búp tươi trên 240.000 tấn, tương đương 48.000 tấn chè búp khô; tăng tỉ lệ sử dụng giống mới để sản xuất sản phẩm chè xanh chất lượng cao, đến năm 2020 diện tích giống mới đạt 80 % tổng diện tích; cơ cấu nguyên liệu chè búp tươi để sản xuất chè xanh từ 90 %. Mỗi năm trồng mới, trồng thay thế bằng các giống mới từ 1.000 ha chè trở lên.

Mở rộng diện tích chè sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...). Đến năm 2020, có 90 % diện tích chè cho sản phẩm sản xuất theo hướng an toàn; diện tích chè sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, được chứng nhận đạt 2.000 ha;

Nâng cao tỷ lệ sản phẩm chè chế biến công nghiệp, bán công nghiệp kết hợp chế biến thủ công truyền thống tạo ra thành phẩm, chất lượng cao, an toàn thực phẩm; xây dựng được thương hiệu, có bao bì, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý truy xuất nguồn gốc; gắn sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè với văn hoá, du lịch để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đến năm 2020, tỷ lệ sản phẩm chè búp khô chế biến theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị đạt 50 % trở lên, giảm tỷ lệ xuất bán sản phẩm sơ chế chất lượng, giá trị thấp; toàn tỉnh có 400 máy sao chè bằng gas, chế biến 7.200 tấn chè búp khô/ năm;

Dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh có 100 Hợp tác xã sản xuất, chế biến chè tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè. Toàn tỉnh có 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh chè xây dựng được Thương hiệu cho các sản phẩm chè của đơn vị.

Để thực hiện những mục tiêu trên, trong thời gian tới, Sở NN&PTNN Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện hợp lý công tác chuyển đổi giống năng suất, chất lượng cao; áp dụng quy trình sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn (VietGAP); hỗ trợ sản xuất chè hữu cơ, sinh học, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hoá học. Phát triển công nghệ chế biến công nghiệp, bán công nghiệp, chế biến thủ công truyền thống đảm bảo an toàn thực phẩm, chế biến thành phẩm chè xanh chất lượng cao.

Đồng thời, tổ chức lại công tác bảo vệ thực vật theo hướng phát triển dịch vụ BVTV trong các THT, HTX sản xuất chè; phát triển chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) đối với cây chè. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm chè gắn với chủ thể; hỗ trợ đổi mới hình thưc, nội dung xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm chè; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước thuộc bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; xây dựng Đề án phát triển chè giưi đoạn 2016-2020 gắn với đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt, đề án phát triển sản xuất trong xây dựng Nông thôn mới.

Công Minh

Từ khóa: