Nợ lương đang khiến nhiều lao động mắc vào thảm cảnh “đi làm không thu nhập”. Họ phải vật lộn với muôn vàn khó khăn, xoay đủ mọi cách, làm bất cứ việc gì có thể để kiếm thêm, trang trải cho cuộc sống chờ đến ngày được nhận lương.
Nợ lương đang khiến nhiều lao động mắc vào thảm cảnh “đi làm không thu nhập”. Họ phải vật lộn với muôn vàn khó khăn, xoay đủ mọi cách, làm bất cứ việc gì có thể để kiếm thêm, trang trải cho cuộc sống chờ đến ngày được nhận lương.
Lao đao vì túng thiếu
Ra trường giữa năm 2011, Lê Thị Ngân được coi là may mắn hơn mọi người khi xin được làm nhân viên tại một công ty chuyên sản xuất và buôn bán đồ gỗ tại quận Đống Đa (Hà Nội). Tuy nhiên, mới làm được mấy tháng thì đến cuối năm, công ty bắt đầu chậm trả lương và giờ đã nợ lương gần một năm nay.
Cuộc sống của Ngân gặp rất nhiều khó khăn khi vẫn phải đi làm mà lương chẳng thấy đâu. Ngân chia sẻ: "Mới đầu bị nợ lương, may mà tiền tiết kiệm vẫn còn nên tiêu tằn tiện đủ sống qua ngày. Sau, số tiền tiết kiệm cũng hết. Xe máy có nhưng để ở phòng, không dám đi, phải bắt xe buýt tới công ty".
Không có lương, mọi nhu cầu của Ngân đều bị cắt giảm tối đa. Thậm chí, ngay cả những nhu cầu thiết yếu như ăn uống cũng phải dè xẻn. Một tuần, số bữa ăn cơm chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại chủ yếu ăn mỳ gói. "Nhiều lúc trong túi không còn nổi tiền để mua gói mì tôm hay đi làm uống cốc trà đá. Khổ nhất là những ngày đầu tháng, chủ nhà tới thu tiền trọ mình cứ phải khất lần, khất lượt không có tiền trả", Ngân than thở.
Về lý do tại sao không nghỉ và tìm xin việc chỗ khác, Ngân ngán ngẩm: "Họ giữ bằng gốc của mình, giờ muốn lấy ra không dễ. Với lại nếu nghỉ việc thì khó đòi khoản lương bị công ty nợ. Nhiều người ở đây nghỉ việc từ giữa năm nhưng đến nay chưa được trả đồng lương nào".
"Những người độc thân bị nợ lương còn đỡ, chứ tôi có gia đình rồi, hàng ngày cần chi tiêu hàng trăm khoản mà bị nợ lương thì khó khăn gấp vạn lần", Nguyễn Văn Thành, nhân viên một công ty xây dựng tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho hay.
Anh Thành nói thêm, trước kia, mỗi tháng thu nhập của hai vợ chồng khoảng hơn 15 triệu đồng. Số tiền đó không phải là nhiều nhưng tạm đủ sống. Song, 4 tháng lại đây, cuộc sống gia đình anh bắt đầu xáo trộn, chật vật hơn khi công ty anh chậm trả và nợ lương nhân viên. Hiện việc chi tiêu sinh hoạt của gia đình trông cậy vào 6 triệu tiền lương của vợ mỗi tháng.
Số tiền giảm còn 1/3 khiến vợ chồng anh nhiều lúc chẳng biết xoay sở ra sao để chi tiêu cho hợp lý, trong khi hàng loạt các khoản: tiền thuê nhà, tiền điện nước, ăn uống, tiền học cho con... cứ đến tháng là phải có để trả, để đóng.
"Mới đầu thiếu còn có thể vay mượn bạn bè một vài ngày, giờ chẳng lẽ tháng nào cũng chạy vạy đi vay hết chỗ này đến chỗ khác? Mà ai cho mình vay mãi được? Hai vợ chồng tôi đang tính gửi đứa con trai 2 tuổi về quê cho ông bà nội chăm hộ, đến lúc nào bớt khó khăn lại đón cháu lên", anh Thành chia sẻ.
Xoay trần kiếm sống
Nhiều người lao động bị công ty nợ lương tới nửa năm, thậm chí cả năm đành phải xoay sở kiếm thêm nghề phụ để sống tạm đợi lương.
Nhiều công nhân phải kiếm việc làm thêm để đủ tiền trang trải cuộc sống
(ảnh minh họa - pvc-me)
Anh Nguyễn Văn Năm, công nhân một công ty kim khí ở Thanh Trì (Hà Nội), kể rằng, ở công ty anh, tình trạng nợ lương công nhân diễn ra thường xuyên. Ít thì 5-6 tháng, nhiều thì tới 8 tháng công ty mới trả". Đi làm không đủ tiền nên anh phải tìm đủ nghề phụ để kiếm sống.
Theo lời anh Năm, hiện để có thể sống và vẫn tiếp tục làm việc ở công ty, anh và một số công nhân khác tranh thủ buổi tối hoặc ngày nghỉ chạy qua làm bốc vác cho một xưởng sản xuất phân bón ngay bên cạnh.
"Công việc bốc vác tuy vất vả nhưng đổi lại, mỗi lần có thể kiếm được 5-7 chục ngàn, tạm gọi là đủ ăn đủ tiêu trong lúc công ty còn nợ lương".
Anh Năm chia sẻ: "Ngày trước, khi còn chờ lương, tôi chưa biết kiếm việc làm thêm những lúc rảnh rỗi, cuộc sống chật vật lắm. Anh em công nhân cứ chạy vạy hết chỗ này tới chỗ khác để lấy tiền ăn hằng ngày. Giờ kiếm việc phụ làm thêm nên cũng có thể coi như sống được".
"Trước có bác làm bảo vệ ở đây bị nợ lương nhiều quá, chán nên bỏ về quê. Giờ nghe nói bác ấy ở nhà đi làm thợ xây thì phải", anh Năm nói.
Lê Thị Ngân cũng cho hay, để chấm dứt kiểu ăn bữa này lo bữa sau, thậm chí có lúc mì tôm còn không mua nổi, ngoài giờ làm ở công ty, Ngân tiếp tục kiếm việc làm thêm vào các buổi tối chờ lương. Giờ Ngân đang bán quần áo thuê cho một người chủ ở chợ đêm sinh viên, mỗi tháng cũng được 2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, ngoài 8 tiếng làm việc ở công ty, giờ tất cả các buổi tối trong tuần Ngân phải gồng mình làm thêm mấy tiếng nữa. Thời gian vui chơi, tụ tập với bạn bè giờ là điều xa xỉ từ khi công ty nợ lương.
Còn anh Nguyễn Văn Thành, để không phải đi vay mượn, có tiền trang trải cuộc sống gia đình đỡ đần vợ trong lúc chờ được thanh toán lương, dạo này anh quay lại nghề gia sư thời sinh viên từng làm. Bốn buổi đều đặn hàng tuần anh dạy thêm cho hai đứa con sinh đôi đang học lớp 3 của một gia đình ở quận Hai Bà Trưng, với số tiền 150.000 đồng/buổi. Tuy không nhiều, gia đình anh cũng chưa hết khó khăn nhưng cũng đỡ phần nào.
Theo anh Thành, ở công ty, nhiều người bị nợ lương như anh đều phải đi làm thêm để lấy tiền sống, cầm cự qua ngày. Với đủ nghề khác nhau, từ gia sư đến phiên dịch, thậm chí bạn anh còn phải chạy xe ôm... Không ít người ở công ty còn nói đùa để động viên nhau rằng: "Cố gắng làm thêm lấy đủ tiền đủ sống, còn tiền lương công ty nợ như tiền gửi tiết kiệm, sau rồi lĩnh một thể".
Bảo Hân
Theo Vietnamnet