Đền ông Hoàng Bảy hay còn gọi là đền Bảo Hà - một di tích được xây trên ngọn núi Cấm thuộc xã Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai nổi tiếng với những câu chuyện linh thiêng.
Tuy nhiên, ít ai biết ngôi đền đó còn được mệnh danh là "đền số má".
Chuông đồng cổ.
Ông Hoàng Bảy là ai?
Theo ông Phạm Văn Chiến, Trưởng ban Ban Quản lý đền Bảo Hà, không ai biết ông Hoàng Bảy chính xác là ai, quê quán ở đâu và cũng không thể biết năm sinh năm mất của ông.
Người Bảo Hà chỉ biết ông Hoàng Bảy là một "thần vệ quốc" - một vị anh hùng lừng lẫy của miền sơn cước đánh giặc phương Bắc bảo vệ dân làng.
Người địa phương đã dùng ngọn núi Cấm, nơi mặt đền quay ra bờ sông Hồng, hợp phong thủy để "trấn yểm" cho vùng đất biên giới được bình yên, thịnh vượng.
Truyền thuyết kể rằng, vào cuối đời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786) khắp vùng Quy Hóa gồm Châu Thủy Vĩ và Châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai bây giờ) luôn bị giặc phương Bắc tràn sang cướp phá, khắp vùng loạn lạc, cư dân điêu tàn.
Trước cảnh đau thương tang tóc ấy, tướng Hoàng Bảy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn.
Trong một trận chiến đấu không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh, thi thể ông trôi theo dòng sông Hồng tới Bảo Hà thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng đã vớt xác, an táng thi thể ông và lập đền thờ tại đây để ghi nhớ công đức to lớn của vị anh hùng đã anh dũng hy sinh.
Ngựa mã dâng ông Hoàng Bảy.
Theo ông Phạm Văn Chiến, đó chỉ là truyền thuyết, còn thực tế lịch sử như thế nào thì phải có thời gian chờ đợi các nhà nghiên cứu lịch sử tìm hiểu và công bố một cách có căn cứ, cơ sở khoa học.
Hiện nay, trong đền Bảo Hà còn một bộ trống âm dương và một chuông đồng cổ với hoa văn rất tinh xảo. Theo ông Chiến, đó là hai bảo vật của đền, vừa mang tính tâm linh, vừa mang tính văn hóa lịch sử.
Ông Chiến không giấu giếm: "Trống và chuông cổ có từ bao giờ thì tôi không được biết, chỉ biết rằng, nó có từ rất lâu rồi và rất cổ. Đó là hai vật thiêng của đền Bảo Hà và có mối liên hệ mật thiết với cá nhân ông Hoàng Bảy".
Tam quan đền Bảo Hà.
Cầu trúng lô, thắng lậu
Như đã nói ở trên, đền ông Hoàng Bảy còn có "bí danh" là "đền số má". Bởi đơn giản, không biết từ bao giờ, dân số má từ khắp các nơi kéo về đây để dâng lễ cầu lộc lô đề, buôn bán hàng lậu.
Theo ông Phạm Văn Chiến, có những đợt ông được chứng kiến tận mắt, tai nghe rõ ràng từng câu xin lộc ông Hoàng Bảy của dân số má rằng: "Cầu xin ngài cho con đánh lô trúng lô, đánh đề trúng đề, buôn bán hàng lậu trót lọt, ít qua ít, nhiều qua nhiều...".
Chỉ vài ngày sau, người ấy quay lại tạ lễ vì thắng lớn. Đấy không phải là trường hợp điển hình mà hầu hết dân số má đều kéo đến đền Bảo Hà xin lộc. Thậm chí, có kẻ còn trắng trợn xin ngài Hoàng Bảy "che mắt cán bộ công an cho hàng lậu trót lọt qua biên giới".
Có lẽ vì thế, mà đền Bảo Hà được xưng tụng là "đền số má". Người viết bài này có một số người bạn là dân địa phương, cũng thuộc hàng lô đề, số má có tiếng ở Lào Cai.
Mỗi tuần người ấy đến đền một lần để cầu lộc và không biết do may mắn hay sự linh thiêng của ông Hoàng Bảy mà cứ mơ là trúng.
Ở Lào Cai, chuyện linh thiêng của "đền số má" còn được lưu truyền với câu chuyện trúng "ba càng" (cách đánh 3 số sau của xổ số kiến thiết - PV) của ông Hoàng Văn Phụng ở TP Lào Cai năm 1998.
Ông Phụng vốn nghiện lô đề mới mò xuống đền ông Hoàng Bảy xin lộc.
Ai ngờ đêm về, ông mơ thấy một vị tướng mặc áo giáp nhưng tay lại cầm quạt lông gà đến mách với 3 con số khác nhau. Ông Phụng làm theo, đem cắm cả sổ đỏ đi đánh và trúng lớn trong 3 ngày liền.
Từ đó, tin đồn lan xa càng làm cho đền ông Hoàng Bảy trở nên tấp nập với những tay giang hồ cộm cán đến khấn lễ cầu an, xin lộc. Đã từng có thời gian, đền Bảo Hà trở thành một trong những điểm nóng về tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy.
Nhiều người lạ đến với đền ông Hoàng Bảy không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những biển hiệu "Cấm mang thuốc phiện vào đền". Biển treo từ ngoài cổng đến bên trong đền.
Trống âm dương.
Theo lời ông Chiến, trước đây dân giang hồ có thói quen dâng lễ bằng thuốc phiện. Họ mang cả thuốc phiện và bàn đèn vào đền dâng ông Hoàng Bảy để mời thánh xin lộc.
Việc làm vi phạm pháp luật ấy từng gây bức xúc trong nhân dân nên Ban Quản lý đền buộc phải có biển cấm và theo dõi sát những đối tượng khả nghi để kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn.
"Thời gian gần đây thì tình trạng đó đã ít đi, thậm chí không còn diễn ra nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở những đối tượng cố ý, bí mật đem thuốc phiện thay hương nhan", ông Chiến cho hay.
Tuy nhiên, ông Chiến cũng phải thừa nhận, dù Ban Quản lý đền có cảnh giác bao nhiêu thì vẫn thi thoảng thấy xuất hiện bàn đèn và thuốc phiện trên ban thờ ông Hoàng Bảy. Tất nhiên, đó chỉ là số ít, không đáng kể so với những năm về trước.
"Sự linh thiêng của đền ông Hoàng Bảy được người dân biết đến và hằng năm vào ngày 17/7 âm lịch, du khách thập phương kéo đến rất đông để tỏ lòng thành kính mong ông phù hộ cho được mạnh khỏe, làm ăn thịnh vượng".(Trưởng ban Ban Quản lý đền Bảo Hà) Ông Phạm Văn Chiến
"Đền ông Hoàng Bảy rất quan trọng trong tâm linh đạo Mẫu. Đó là một trong ba ngôi đền của tín ngưỡng thờ Mẫu có vị trí đặc biệt cùng với đền ông Hoàng Bơ và ông Hoàng Mười".(Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Lào Cai) Ông Trần Hữu Sơn
Theo Bee