Sự kiện hot
13 năm trước

Thâm Quyến: Trung tâm IPO mới của thế giới

Từ một làng chài yên ả ba thập kỷ trước, Thâm Quyến, thành phố miền Nam Trung Quốc đã trở thành nơi có số lượng các vụ IPO nhiều hơn cả New York, Hong Kong và London cộng lại (trung bình mỗi ngày có 1 vụ IPO).

Từ một làng chài yên ả ba thập kỷ trước, Thâm Quyến, thành phố miền Nam Trung Quốc đã trở thành nơi có số lượng các vụ IPO nhiều hơn cả New York, Hong Kong và London cộng lại (trung bình mỗi ngày có 1 vụ IPO).

Thâm Quyến hiện là trung tâm của các cải cách kinh tế, chính sách đã được Trung Quốc triển khai cách đây 30 năm và giúp đưa nước này trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Chỉ vài năm trước, giới tài chính quốc tế vẫn đánh giá Thâm Quyến chỉ là một cái ao nhà nơi những doanh nghiệp nhỏ, không có tên tuổi của Trung Quốc vùng vẫy. Nhưng mọi thứ đã thay đổi một cách nhanh chóng.

Cách Hong Kong khoảng một giờ tàu chạy, thành phố này ngày nay tiếp tục trở thành trung tâm của một đợt cải cách mới về tài chính của Trung Quốc nhằm những mục tiêu to lớn hơn như: quốc tế hóa đồng NDT, gia tăng liên kết với thị trường tài chính Hong Kong và cuối cùng là trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế, sánh ngang với New York, London... Với khoản tiền đầu tư là 45 tỷ USD trong vòng 8 năm, Trung Quốc đã có kế hoạch phát triển đặc khu kinh tế Qianhai, nằm phía tây của Thâm Quyến, trở thành một tiểu Hong Kong. Các công ty đăng ký kinh doanh tại đây sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, giống với cách mà Singapore áp dụng để thu hút doanh nghiệp nước ngoài. 

Trung bình mỗi ngày ở Thâm Quyến có 1 vụ IPO (nhiều hơn cả New York, Hong Kong
và London cộng lại).

Thủ đô IPO của thế giới

Cách đây 30 năm, Thâm Quyến chỉ là một làng ven biển với 30.000 dân, nhưng sau năm 1979 cùng với chính sách phát triển khu vực này thành Đặc khu kinh tế, Thâm Quyến đã thay da đổi thịt. Thành phố đã trở thành một đô thị hiện đại với 14 triệu dân, cùng hàng trăm ngôi nhà chọc trời, tàu điện ngầm, các trung tâm thương mại hào nhoáng và nhà máy sản xuất đủ thứ từ iPhones, các tivi đời mới tới những chiếc đồng hồ giả, đồ chơi bằng nhựa…

Phải đến năm 1990, Thâm Quyến mới có thị trường chứng khoán với chỉ số ChiNext. Số lượng các công ty niêm yết đã tăng lên gấp ba lần sau 8 năm, từ 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong những năm đầu và tính tới cuối tháng 05.2012 giá trị vốn hóa thị trường là 1.2 nghìn tỷ USD. Con số còn rất khiêm tốn so với giá trị 12.5 nghìn tỷ của thị trường chứng khoán New York, nhưng đã gấp đôi so với giá trị của thị trường Singapore.

Theo số liệu của hãng Reuters, giá trị các vụ IPO của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Thâm Quyến theo chỉ số ChiNext (giống như với chỉ số Nasdaq của Mỹ) năm 2011 là 26 tỷ USD, còn số lượng các SME được niêm yết mới nhiều gấp đôi so với con số tại sàn Nasdaq và gần gấp rưỡi so với thị trường London.

Tổng cộng năm 2011 Thâm Quyến đã chứng kiến 236 vụ IPO, nhiều nhất thế giới, tiếp sau đó là thị trường New York với 69 vụ. Sang năm 2012, xu hướng này vẫn rất mạnh mẽ, riêng trong 6 tháng đầu năm, tại Thâm Quyến đã có tới 84 vụ IPO, trong khi đó tại New York mới có 44 vụ. Tuy nhiên, xét về giá trị của các vụ IPO, Thâm Quyến vẫn xếp sau New York (31 tỷ USD) nhưng đã vượt Hong Kong với 23 tỷ.

Nhờ làn sóng này, các công ty chứng khoán Trung Quốc đã thu được những khoản phí lớn hơn cả các đại gia như Goldman Sachs và UBS vốn bao thầu thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, công ty chứng khoán Ping An kiếm được 232 triệu USD, Guosen thu về 215 triệu và một nửa trong số 20 công ty chứng khoán có doanh thu lớn nhất châu Á là những công ty của Trung Quốc. Thậm chí khoảng cách thu nhập của các công ty chứng khoán Trung Quốc so với những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới đang được nới rộng. Lãi ròng của Guosen trong 6 tháng đầu năm 2012 là 99 triệu USD, của Citic là 97 triệu, trong khi con số này của Goldman Sachs là 63 triệu.

E ngại và rào cản

Tuy vậy, nhiều ngân hàng phương Tây vẫn tỏ ra nghi ngại và chưa thật sự nhập cuộc vào thị trường tài chính tại Thâm Quyến. Bởi một doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng với những vấn đề không rõ ràng về kế toán có thể chứa đựng nhiều nguy cơ mất uy tín. Một số công ty Trung Quốc niêm yết trên thị trường mà không có hồ sơ kinh doanh minh bạch. Điều này khiến nhà đầu tư không thể yên tâm, đặc biệt trong những vụ IPO có giá trị lớn. 

Nhiều ngân hàng phương Tây vẫn tỏ ra nghi ngại và chưa thật sự nhập cuộc vào
thị trường tài chính tại Thâm Quyến.

Trên thực tế, những lỗ hổng này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Năm ngoái, UBS, ngân hàng lớn của Thụy Sỹ vốn là đơn vị chuyên đứng ra bảo hiểm cho nhiều thương vụ IPO của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 6 năm qua, đã thực hiện hai thỏa thuận bảo hiểm: một với BYD Co Ltd, công ty sản xuất xe hơi có tỷ phú Warren Buffett tham gia đầu tư tại thị trường Thâm Quyến và vụ IPO của công ty thương mại ô tô Pang Da tại thị trường chứng khoán Thượng Hải. Cổ phiếu của cả hai công ty này đều rớt giá thảm hại sau khi niêm yết.

Thị trường Thâm Quyến cũng có nhiều con số ảo khi giá trị giao dịch của nhiều công ty cao hơn giá trị thực tới 23 lần, đó là đã giảm so với con số 76 lần vào năm 2008. Chỉ số PE (hệ số giữa thị giá một cổ phiếu và thu nhập mà nó mang lại), một thước đo mức độ tăng trưởng thu nhập trong tương lai, của thị trường cũng đã giảm 39 lần từ mức đỉnh 128 của năm 2009.

Chỉ số chứng khoán của thị trường liên tục dao động mạnh và giảm 21% trong năm ngoái khiến nhiều người nghĩ rằng Thâm Quyến là một casino hơn là thị trường chứng khoán. Nhiều người cảnh báo rằng cần hết sức thận trọng khi tham gia thị trường chứng khoán tại đây bởi ¾ khối lượng giao dịch là của những nhà đầu tư cá nhân. Tuy vậy, thị trường chứng khoán Thâm Quyến cũng đã thiết lập được những liên kết với thị trường Thượng Hải và Hong Kong để phát triển các sản phẩm và dịch vụ tài chính, nâng cao sức cạnh tranh và hướng tới một thị trường toàn cầu.

Nhiều ngân hàng quốc tế như Goldman, UBS, Credit Suisse và Deutsche Bank đều đã có mặt tại Trung Quốc thông qua các liên doanh và đều tỏ ra quan tâm tới các vụ IPO giá trị nhiều tỷ đô la của các tập đoàn, công ty nhà nước chào bán tại Thượng Hải. Tới nay, đa số các con cá lớn đều đã được tung ra và giới đầu tư đang chuyển hướng sang những doanh nghiệp nhỏ chưa IPO. Năm ngoái, hàng loạt các ngân hàng lớn trên thế giới cũng đã đặt chân vào thị trường tài chính nước này như Morgan Stanley, Citigroup, Royal Bank của Scotland hay JPMorgan. Các ngân hàng trên đã tham gia vào hoạt động bảo hiểm, đầu tư chứng khoán, trái phiếu và cung cấp các dịch vụ tư vấn, đầu tư ngân hàng.

Jerry Lou, trưởng bộ phận thị trường vốn toàn cầu và chiến lược gia trưởng của công ty chứng khoán liên doanh Morgan Stanley Huaxin nói những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn và đang rất cần các dòng đầu tư. Lou cho biết liên doanh này sẽ tham gia vào các vụ IPO tại Thâm Quyến trong năm nay song không cho biết thêm chi tiết. “Mặc dù sẽ có những thăng trầm, nhưng xét về tiềm năng thì thị trường tại đây là rất lớn, tôi cho rằng thị trường này sẽ tăng trưởng gấp hai, ba lần trong vòng 5-10 năm tới”, Lou đánh giá.

Nhưng các ngân hàng nước ngoài sẽ rất khó khăn để lấy được thị phần từ tay các công ty chứng khoán khó nhằn bản địa như Guosen, Citic, PingAn và Huatai. Như Citic chẳng hạn, công ty này đã có nhiều năm hoạt động tại thị trường Thâm Quyến và tập trung vào đối tượng là các công ty nhỏ, còn Guosen đã có một đội quân với 475 chân rết tại các ngân hàng. Sân nhà chính là lợi thế lớn nhất của họ.

Theo Vietnamnet, Reuters

Từ khóa: