Thêm một nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý định đầu tư dự án lọc hóa dầu có quy mô lớn nhất thế giới tại VN, nối dài danh sách các dự án lọc hóa dầu trong cả nước.
Thêm một nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý định đầu tư dự án lọc hóa dầu có quy mô lớn nhất thế giới tại VN, nối dài danh sách các dự án lọc hóa dầu trong cả nước.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện cung cấp 30% lượng xăng dầu tiêu thụ toàn quốc
- Ảnh: Diệp Đức Minh
Nhiều dự án ì ạch
Tập đoàn dầu khí Thái Lan - PTT vừa làm việc với UBND tỉnh Bình Định vào ngày 22.11 về kế hoạch xây khu liên hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) với tổng vốn đầu tư 28,7 tỉ USD, công suất khoảng 660.000 thùng/ngày (30 triệu tấn/năm).
Với nguồn vốn dự kiến rất lớn, PTT cho biết sẽ phải huy động từ tập đoàn này, các đối tác Việt Nam và các nguồn khác. Trao đổi với Thanh Niên hôm qua, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), nói chưa nghe gì về thông tin PTT làm việc với Petrolimex về việc hợp tác đầu tư dự án này.
Trên thực tế, những doanh nghiệp VN có lĩnh vực kinh doanh liên quan đến lọc hóa dầu đa phần đều đã hoặc đang có các phương án xây dựng nhà máy lọc dầu riêng. Đơn cử như Petrolimex đã được giao triển khai xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong (Khánh Hòa). Dự kiến, công suất thiết kế của nhà máy này khoảng 200.000 thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm). Ông Trần Ngọc Năm cho biết Petrolimex đang trong quá trình tìm kiếm đối tác tham gia dự án cũng như tính toán, xây dựng phương án huy động vốn, nguồn dầu.
Tập đoàn dầu khí VN (PVN), ngoài Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động (công suất thiết kế 6,5 triệu tấn/năm, hiện đang cung cấp 30% lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước), cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn đang rục rịch triển khai như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Theo tính toán, nếu Nghi Sơn (công suất thiết kế giai đoạn 1 là 10 triệu tấn/năm gồm 2,3 triệu tấn xăng/năm và 3,7 triệu tấn dầu diesel/năm) đi vào hoạt động, hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất sẽ đóng góp 50% lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa mỗi năm.
Thực tế xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất cũng như xúc tiến các thủ tục đầu tư, xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cho thấy thời gian để một dự án có thể chính thức xây dựng thường kéo rất dài do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư. Đơn cử như dự án lọc dầu Cần Thơ (do Công ty CP đầu tư thương mại Viễn Đông và Công ty Semtech Limited B.V.I của Mỹ góp vốn) được chấp thuận từ tháng 4.2008, nhưng sau khi phải điều chỉnh quy mô từ hơn 500 triệu USD xuống 350 triệu USD và một đối tác rút lui khỏi dự án, tới nay dự án này vẫn chưa biết bao giờ sẽ triển khai. Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) cũng chỉ vừa rục rịch triển khai trở lại sau một thời gian dài gặp khó khăn.
Cung gấp đôi cầu
Nếu tất cả các dự án lọc hóa dầu trên đi vào hoạt động, tổng công suất thiết kế sẽ xấp xỉ 60 triệu tấn/năm gồm cả sản phẩm xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng. Hiện tại lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân khoảng 15 triệu tấn/năm, còn theo dự báo, giai đoạn 2011 - 2015 nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước cũng chỉ dao động từ 15 - 20 triệu tấn/năm, tổng nhu cầu đến năm 2025 là 27 triệu tấn/năm, như vậy công suất có thể sẽ gấp đôi nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với trữ lượng dầu được công bố đến nay, nếu không có thêm các mỏ mới thì sản lượng khai thác dầu thô của VN bình quân hiện nay chỉ khoảng 14 - 15 triệu tấn dầu/năm. Nếu khai thác thêm được các mỏ mới ngoài khơi, con số này có thể sẽ tăng lên. Nhưng việc dành trữ lượng dầu thô chỉ riêng cho Dung Quất đã tương đối nhiều, nếu cung cấp thêm cho các nhà máy lọc dầu khác sẽ không đủ, chưa kể không còn lượng xuất khẩu.
Nhiều dự án lọc hóa dầu đều tính tới phương án nhập khẩu dầu thô từ các nước Trung Đông, Nam Mỹ, sản phẩm sản xuất ra cũng sẽ hướng tới xuất khẩu và có thể một phần tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, theo ông Ngãi, việc nhập dầu thô nước ngoài để lọc dầu trong nước rất tốn kém, sản phẩm sẽ đắt hơn so với xăng dầu nhập về từ nước ngoài. Việc xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu là cần thiết để VN tự chủ dần nguồn xăng dầu trong nước cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho ngành dầu khí, nhưng theo ông Ngãi, cần cân nhắc và tính toán kỹ số lượng.
Ở khía cạnh khác, theo một chuyên gia, việc phát triển các nhà máy lọc hóa dầu theo hướng biến VN thành trung tâm cung ứng xăng dầu cho thị trường một số nước lân cận là điều nên làm, để tận dụng lợi thế địa lý của VN. Nếu theo đuổi điều này, sẽ không ngại vấn đề dư thừa công suất. Nhưng các dự án cần cân nhắc kỹ tính cạnh tranh đặt trong tương quan với các nhà máy tại các thị trường xuất khẩu xăng dầu lớn trong khu vực.
Mai Hà
Theo Thanhnien