Ban điều hành Công ty cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin dự kiến sẽ khắc phục được tình trạng chứng khoán TC6 khỏi diện bị kiểm soát trong quý 1 năm 2023
CTCP Than Cọc Sau – Vinacomin (Mã chứng khoán: TC6) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán TC6 trong diện kiểm soát.
Theo nội dung văn bản, trong quý IV năm 2022, doanh nghiệp đang tập trung triển khai cao độ đẩy mạnh sản xuất, khai thác và tiêu thụ than, huy động tối đa thiết bị ra sản xuất trong những ngày thời tiết tốt để nâng cao hiệu quả sản xuất; tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác quản trị chi phí và các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ; thực hiện thanh lý tài sản chờ thanh lý, vật tư là hàng lạc hậu kỹ thuật tồn kho để thu hồi vốn nhằm cải thiện tình hình tài chính.
Tiếp tục báo cáo và đề nghị Tập đoàn TKV điều chỉnh kế hoạch sản lượng và chi phí năm 2022 cho Công ty phù hợp với điều kiện đặc thù khai thác xuống sâu của mỏ; thực hiện các giải pháp tích cực trong quản lý và tổ chức sản xuất để đạt kế hoạch sản xuất kinh doanh quý IV và năm 2022 ở mức cao nhất.
Ban điều hành Công ty cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin dự kiến sẽ khắc phục được tình trạng chứng khoán TC6 khỏi diện bị kiểm soát trong quý 1 năm 2023. Kèm theo đó, Công ty cam kết định kỳ hàng quý sẽ gửi báo cáo về tình hình khắc phục trình trạng chứng khoán bị kiểm soát và sẽ thực hiện công bố thông tin theo quy định của pháp luật vả Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ra Quyết định Số 765/QĐ-SGDHN ngày 27/10 về việc đưa cổ phiếu TC6 vào diện kiểm soát do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp âm; tính trên báo cáo tài chính gần nhất.
TC6 lý giải do số liệu doanh thu, chi phí 9 tháng tại Báo cáo tài chính quý III-9 tháng năm 2022 của Công ty là số tỉnh theo kế hoạch đầu năm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giao, Công ty chưa thanh quyết toán chi phí với TKV và chưa được Công ty kiểm toán độc lập kiểm toán.
Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý III lỗ 350 tỷ đồng dẫn đến vốn chủ sở Vốn chủ sở hữu âm tính trên báo cáo tài chính quý III/2022 bởi sản lượng than sản xuất và chế biến (bao gồm than nguyên khai và than chế biến từ đất đá lẫn than) thực hiện 9 tháng chỉ được 1.482.245 tấn/kế hoạch 3.000.000 tấn = 49,4% kế hoạch năm 2022 làm tăng các chi phí cố định (khấu hao, thuê xe hoạt động, bảo hiểm, chi phí chung, chi phí quản lý....). Than tiêu thụ tổng số 9 tháng năm 2022 thực hiện chỉ được 1.612.267 tấn/kế hoạch 2.980.000 tấn = 54,1% kế hoạch năm 2022.
Mặt khác, chất lượng than nguyên khai khai thác 9 tháng đầu năm không đạt kế hoạch (phần than dưới sâu chất lượng tốt không lấy được theo kế hoạch); độ tro than nguyên khai khai thác thực hiện 39.84%/kế hoạch 37.45%,tăng 2,39% làm giảm chất lượng than sản xuất, tiêu thụ, giảm doanh thu, lợi nhuận.
Điều kiện mỏ khai thác xuống sâu -300m, khối lượng mỏ chủ yếu tập trung mức thấp, diện khai thác hẹp, đường nhiều cua dốc, diện đổ thải hẹp làm tăng mức tiêu hao vật tư, nhiên liệu làm tăng chi phí, đặc biệt giá nhiên liệu năm 2022 tăng cao.
Đặc biệt với vấn đề thời tiết không thuận lợi, mưa sớm và lớn hơn so với các năm trước cũng khiên điều kiện khai trưởng rất khó khăn, nước moong dâng cao, sau các đợt mưa lớn phải tổ chức khắc phục mất nhiều thời gian đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và sản lượng thần khai thác không đạt kế hoạch đã xây dựng.
Lan Anh
Theo KTDU