Cần hết sức thận trọng khi giao dịch mua bán hồ tiêu với các thương lái nước ngoài, chủ yếu là thương lái Trung Quốc trên địa bàn.
Ảnh minh họa.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hiện tượng thương lái người Trung Quốc sau khi tung thông tin mua với số lượng lớn sản phẩm hồ tiêu để xuất khẩu thì liền tìm đến các doanh nghiệp chuyên thu mua nông sản hồ tiêu, cà phê đặt mua với bất cứ giá nào và yêu cầu ký hợp đồng ngay, trong khi đó lại trì hoãn việc chuyển tiền đặt cọc.
Các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng hồ tiêu vì áp lực hợp đồng nên gấp rút thu gom hồ tiêu từ các đại lý nhằm thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Cùng thời gian này, các thương lái người Trung Quốc thông qua các đại lý, hoặc các nông hộ bán lại số lượng hồ tiêu đã thu mua trước đó với giá cao hơn cho các doanh nghiệp để hưởng chênh lệch rất lớn ngay tại địa bàn.
Còn các doanh nghiệp sau khi thu gom đủ số lượng sản phẩm hồ tiêu đã ký kết, liền liên hệ với thương lái người Trung Quốc để giao hàng, nhận tiền thì “biệt tăm” không liên lạc được, doanh nghiệp đành chịu thiệt hại nặng nề…
Hình thức mua bán “lừa đảo” này không mới nhưng không ít doanh nghiệp chuyên ngành nông sản hồ tiêu, cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn bị sập bẫy.
Tỉnh Đắk Lắk đề nghị các địa phương, doanh nghiệp khi phát hiện có hiện tượng mua bán bất thường từ phía các bạn hàng người nước ngoài cần báo cáo ngay với các đơn vị chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp, đại lý…
Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 28.000 ha hồ tiêu; trong đó, có trên 70% diện tích đưa vào kinh doanh cho thu hoạch, với sản lượng gần 40.000 tấn. Diện tích hồ tiêu này tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk, Cư Kuin, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ…
Quang Huy
Theo Báo Tin tức/TTXVN