Sự kiện hot
12 tháng trước

Tháng 11/2023 Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số chung đạt 17,4 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ

CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa công bố thông tin hoạt động tháng 11/2023 với doanh số tăng trưởng dương, sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.451 tấn, bằng 98% so cùng kỳ năm trước.

Thực phẩm Sao Ta tạm ứng cổ tức 20%, phát hành thêm cổ phiếu
Tháng 11/2023 Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số chung đạt 17,4 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.

Cụ thể, sản xuất tôm thành phẩm đạt 1.451 tấn, giảm 2% so với cùng kỳ; sản xuất nông sản thành phẩm đạt 102 tấn, tương đương với cùng kỳ; tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 1.624 tấn, tăng 45% so với cùng kỳ; và sản lượng tiêu thụ nông sản đạt 113 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp cho biết tôm nuôi thu hoạch hoàn tất nửa đầu tháng 11. Sao Ta đánh giá kết quả tôm thu hoạch khá tốt, góp phần đáng kể giảm giá thành tôm cuối cùng, bảo đảm lợi nhuận đạt mức điều chỉnh.

Từ cuối tháng 11, Sao Ta đã tiến hành thả nuôi tôm mùa nghịch và được cho rằng là đột phá đầu tiên trong tiến trình hoạt động nuôi tôm của công ty. Lý do là thời tiết cuối năm nay sẽ cao hơn trung bình và sắp tới tôm thương phẩm rất ít, giá sẽ tăng theo quy luật cung cầu. Cuộc chiến Đông Âu không giảm nhiệt, tháng 10 lại thêm căng thẳng ở Trung Đông; sản lượng tôm Ecuador tăng trưởng khá mạnh gây áp lực kép phải tiêu thụ giá thấp, người tiêu dùng hưởng lợi khiến người nuôi và doanh nghiệp chế biến phải lao đao.

Hơn nữa ngành nuôi tôm nước ta đang được bị thêm bệnh tôm (TPD) chưa có phác đồ điều trị ngoài bệnh đang mắc phải (EHP) dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho lĩnh vực nuôi, ít nhiều làm giá tôm thương phẩm trong nước phục hồi nhẹ từ cuối quý III. Sao Ta cho biết việc hồi phục giá chỉ do tác động cung cầu trong nước, không phải tín hiệu ấm từ thị trường tiêu thụ.

Giá tiêu  thụ thấp, khiến sức tiêu thụ tôm Việt bị tác động khá mạnh, đa phần các thị trường đều bị giảm sút và tác động tới Sao Ta. 

Ngành tôm xuất khẩu: Chủ động lợi thế ngay sau mùa dịch

Trong bối cảnh khó khăn, cuối tháng 10, HĐQT Sao Ta đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Cụ thể, tổng doanh thu giảm 17% so với kế hoạch cũ, từ 5.900 tỷ đồng xuống 4.870 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 25% so với mục tiêu ban đầu, từ 400 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Tính tới 30/9/2023, tổng tài sản của Công ty Thực phẩm Sao Ta tăng 20,3% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 606,08 tỷ đồng, lên 3.594,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 1.241,8 tỷ đồng, chiếm 34,54% tổng tài sản; tài sản cố định ghi nhận 860,8 tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 708,5 tỷ đồng, chiếm 19,7% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 345,1 tỷ đồng, chiếm 9,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Trong kỳ, tài sản biến động mạnh chủ yếu tồn kho tăng 33,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 312,7 tỷ đồng, lên 1.241,8 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 153,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 428,7 tỷ đồng, lên 708,5 tỷ đồng; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 42,1% so với đầu năm, tương ứng giảm 251,3 tỷ đồng, về 345,1 tỷ đồng…

Công ty Thực phẩm Sao Ta cho biết tồn kho tăng chủ yếu do thành phẩm tăng từ 701,8 tỷ đồng lên 905,7 tỷ đồng, tức tăng thêm 203,9 tỷ đồng; chi phí sản xuất kinh doanh dở dang từ 0 tỷ đồng, tăng lên 161,3 tỷ đồng; nguyên vật liệu tăng thêm 61,1 tỷ đồng, lên 110,8 tỷ đồng; công cụ, dụng cụ, bao bì và thiết bị, phụ tùng thay thế tăng thêm 6,31 tỷ đồng, lên 63,99 tỷ đồng …

Về phần nguồn vốn, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn tăng 123,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 636,4 tỷ đồng, lên 1.151,9 tỷ đồng và chiếm 32% tổng nguồn vốn.

Theo dữ liệu SSI iBoard, từ năm 2018 đến năm 2022, Công ty Thực phẩm Sao Ta liên tục duy trì dòng tiền kinh doanh dương. Trong đó, dòng tiền kinh doanh dương thấp nhất là năm 2020 với giá trị dương 42,01 tỷ đồng.

Như vậy, sau 5 năm dòng tiền kinh doanh dương liên tục, Công ty Thực phẩm Sao Ta bất ngờ ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm trong 9 tháng đầu năm 2023.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: