Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Tháng 7 năm 2022 xuất khẩu chè tăng cả về lượng và trị giá

Xuất khẩu chè trong tháng 7/2022 đạt 12,5 nghìn tấn, trị giá 21,2 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và tăng 2,1% về trị giá so với tháng 7/2021.

Xuất khẩu chè trong tháng 7/2022 tăng về lượng và trị giá

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 7/2022 đạt 12,5 nghìn tấn, trị giá 21,2 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và tăng 2,1% về trị giá so với tháng 7/2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 7/2022 đạt 1.695,4 USD/tấn, giảm 6,1% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chè đạt 66,2 nghìn tấn, trị giá 113,7 triệu USD, giảm 4,9% về lượng và giảm 1,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.718,1 USD/tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Pa-ki-xtan là thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2022, chè xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh cả về lượng và trị giá, đạt 26,2 nghìn tấn, trị giá 49,6 triệu USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 17,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 7 năm 2022 xuất khẩu chè tăng cả về lượng và trị giá - Ảnh 1

Trong khi đó, chè xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nga, Trung Quốc, I-rắc và Ấn Độ giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm 2022. Chè xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 8,7 nghìn tấn, trị giá 14,8 triệu USD, giảm 16,3% về lượng và giảm 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Chè xuất khẩu tới thị trường Nga đạt 5,2 nghìn tấn, trị giá 9 triệu USD, giảm 30,9% về lượng và giảm 25,3% về trị giá; tới Trung Quốc đạt 3,4 nghìn tấn, trị giá 6,9 triệu USD, giảm 47,5% về lượng và giảm 31,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, xuất khẩu chè tới thị trường Hoa Kỳ, Ma-lai-xi-a và Ả rập Xê –út tăng rất mạnh trong 7 tháng đầu năm năm 2022. Tốc độ tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu chè sang các thị trường này cho thấy chè của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam rất lớn, khi các thị trường này đều là thị trường nhập khẩu chè lớn trên toàn cầu.

Tháng 7 năm 2022 xuất khẩu chè tăng cả về lượng và trị giá - Ảnh 2

Theo nguồn worldstopexports.com, trong năm 2021 Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 2 thế giới sau Pa-ki-xtan, đạt 531,8 triệu USD, chiếm 8,1% tổng trị giá nhập khẩu toàn thế giới; Ả rập Xê-út là thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 trên thế giới đạt 188,9 triệu USD, chiếm 2,9% tổng trị giá nhập khẩu toàn thế giới.

Thị phần chè của Việt Nam chiếm tỷ trong thấp trong tổng lượng nhập khẩu của thị trường Hồng Kông

Theo số liệu từ Cục điều tra dân số và thống kê Hồng Kông, nhập khẩu chè của thị trường Hồng Kông trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 8,7 nghìn tấn, trị giá 814,7 triệu HKD (tương đương 103,8 triệu USD), giảm 0,8% về lượng và giảm 4,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chè nhập khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 93,67 nghìn HKD/tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 7 năm 2022 xuất khẩu chè tăng cả về lượng và trị giá - Ảnh 3

 Trung Quốc là thị trường cung cấp mặt hàng chè lớn nhất cho thị trường Hồng Kông trong nửa đầu năm 2022, chiếm 61% tổng lượng chè nhập khẩu, đạt 5,3 nghìn tấn, trị giá 644,8 triệu HKD (tương đương 82,1 triệu USD), tăng 11% về lượng, nhưng giảm 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu bình quân đạt 121,4 nghìn HKD/tấn, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Xri Lan-ca đạt 1,9 nghìn tấn, trị giá 74,8 triệu HKD (tương đương 9,5 triệu USD), giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu bình quân đạt 38,6 nghìn HKD/ tấn, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Xri Lan-ca chiếm 22,3%
tổng lượng chè thị trường Hồng Kông nhập khẩu.

Việt Nam chỉ cung cấp một lượng chè nhỏ cho thị trường Hồng Kông trong nửa đầu năm 2022, lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam đều giảm mạnh. Chè là một loại đồ uống rất phổ biến và được người tiêu dùng tại thị trường Hồng Kông quan tâm. Theo nguồn worldstopexports.com, Hồng Kông là thị trường nhập khẩu chè lớn thứ 5 trên thế giới trong năm 2021, với trị giá chiếm 4% tổng trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu.

Thị trường Hồng Kông có nền kinh tế phát triển rất mạnh, GDP bình quân đầu người đạt tới 49.613 USD/người/ năm. Đặc biệt, sản xuất nông sản, thực phẩm tại Hồng Kông rất hạn chế và phải nhập khẩu. Do vậy, đây thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Xuất khẩu được chủng loại chè vào thị trường Hồng Hồng Kông, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi bởi đây là thị trường mở, phi thuế quan với hàng nhập khẩu, thủ tục xuất nhập khẩu thuận tiện, quãng đường vận chuyển ngắn. Thị trường Hồng Kông có tính kết nối, do đó chủng loại chè của Việt Nam xuất khẩu được vào thị trường Hồng Kông có thể xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Hồng Kông cần lưu ý, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hồng Kông rất cao, hệ thống cảnh báo nhanh, công tác hậu kiểm và quy định về nhãn mác nghiêm ngặt. Do đó, doanh nghiệp phải rất cẩn trọng trong quy trình sản xuất, chế biến và áp dụng công nghệ cao trong bảo quản sản phẩm.

Tháng 7 năm 2022 xuất khẩu chè tăng cả về lượng và trị giá - Ảnh 4

Chè đen và chè xanh là 2 chủng loại chính thị trường Hồng Kông nhập khẩu trong nửa đầu năm 2022. Trong đó, chè đen là chủng loại nhập khẩu nhiều nhất, đạt 5,85 nghìn tấn, trị giá 520,9 triệu HKD (tương đương 66,4 triệu USD), giảm 4,3% về lượng, nhưng tăng 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu bình quân đạt 125,6 nghìn HKD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc và Xri Lan-ca là 2 thị trường cung cấp chính chủng loại chè đen cho thị trường Hồng Kông, chiếm 88,2% tổng lượng chè đen nhập khẩu.

Thị trường Hồng Kông nhập khẩu chủng loại chè xanh trong nửa đầu năm 2022 đạt 2,8 nghìn tấn, trị giá 292,7 triệu HKD (tương đương 37,3 triệu USD), tăng 7,2% về lượng nhưng giảm 19,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu bình quân chủng loại chè xanh đạt 103,1 nghìn HKD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc là thị trường cung cấp chính chủng loại chè xanh cho thị trường Hồng Kông, với lượng chiếm 73,4% tổng lượng chè xanh nhập khẩu. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản, thị trường Đài Loan, Ba Lan...

Bảo Anh/ KTĐU

Từ khóa: