(ĐS&TD) - Dù mới thành lập hơn 2 năm, nhưng thương hiệu Cá sấu Hai Đô đã dần khẳng định được vị trí và tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng. Ít ai biết ông chủ của “Hai Đô” đã trải qua cuộc đời thăng trầm như thế nào trước khi gây dựng nên một cơ sở làm ăn ổn định, uy tín.
Gian hàng trưng bày sản phẩm của công ty TNHH Cá Sấu Hai Đô
Hai Đô - Tay không dựng cơ đồ
Sinh ra trong một gia đình giàu có bậc nhất ở Sài Gòn trước giải phóng, của ăn của để không thiếu thứ gì, xe hơi trong Sài Gòn lúc đó 6 chiếc thì gia đình Hai Đô 3 chiếc, Hai Đô như cậu ấm sống trong sự giàu sang không phải lo nghĩ kế sinh nhai, không phải lo nghĩ ngày mai thế nào.
Nhưng cuộc đời không nhu mong muốn, nhiều biến cố xảy ra. Năm 1975, khi mới 9 tuổi, chứng kiến gia đình ly tán, tài sản mất sạch. Cha bị đi tù, mẹ cùng đàn con nheo nhóc phải đi kinh tế mới ở Đồng Nai. Lần đầu tiên sống trong cảnh khổ cực, giữa khu rừng hoang vắng, không nhà, không mùng mền, giường chiếu… nỗi sợ hãi bao trùm lấy tâm hồn đứa trẻ Hai Đô. Lúc đó chỉ biết ôm đàn em, níu chân mẹ rồi khóc, vỗ về giấc ngủ đầu tiên trong túp lều giữa khu rừng vắng, chập chờn cùng vô vàn nỗi sợ.
Trước tình cảnh đói khát đó, không thể chần chừ hơn nữa, cậu bé Hai Đô vùng lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh của người con cả “quyền huynh thế phụ” chèo lái con thuyền gia đình vượt qua cơn bĩ cực.
Đêm đêm, Hai Đô cùng lũ trẻ đồng trang lứa trong xóm đi lấy mủ cao su để bán lấy tiền đổi gạo. Có chút tiền, Hai Đô mua mít, mua khoai luộc đi bán. Vừa đi bán vừa đưa em đi học. Em thì vô lớp học còn anh Hai thì bưng rổ khoai đứng bên ngoài học ké.
12 tuổi, mẹ Hai Đô đi bước nữa. Bao cố gắng của cậu bé Đô phút chốc như sụp đổ. Trong tâm thức đứa trẻ non nớt, sự đời chới với khi điểm tựa của nó và các em bị lung lay, sốc và buồn chán, Hai Đô bỏ nhà đi “bụi”. Những ngày tháng lang thang kiếm kế mưu sinh đầy khổ cực, có được bao nhiêu tiền Đô gửi về cho em ăn học.
Hơn 1 năm sau, cha anh ra tù, ngày trở về với nhiều bẽ bàng của cuộc sống hiện tại, ông hận đời bỏ nhà đi biệt hai năm. Rồi ông ấy cũng đi bước nữa. Hai Đô thêm một lần tổn thương…
Từ đó, Hai Đô về sống với cha ở Sài Gòn, khởi nghiệp bằng nghề mộc. Anh rất vui khi cầm những đồng tiền đầu tiên làm từ lao động chân chính. Nhưng cuộc đời thử thách lòng người, công việc ổn định chưa được bao lâu lại có nhiều thay đổi. Dòng đời xô đẩy đã tạo nên một Hai Đô dày dạn trường đời, liều lĩnh với cuộc sống.
Từng kinh qua vô số nghề như kinh doanh bi-a, mở trường gà, karaoke, sang băng đĩa, chủ vựa hải sản, thậm chí có khi không còn vốn liếng, phải đi bán nhang, ngày đêm chạy xe ôm… với Hai Đô, nghề nào cũng có kỷ niệm vui, buồn có đắng cay tình đời và anh đã khắc cốt ghi tâm để tạo nên một Hai Đô của bây giờ.
Trong một lần bị xe tông vỡ đầu gối, gãy xương chân lúc đi bán hàng, nằm trên giường bệnh, có thời gian chiêm nghiệm cuộc sống, nghĩ về quãng thời gian qua như một thước phim quay chậm, người đàn ông Hai Đô mới thấm thía giá trị của sức khoẻ, giá trị của gia đình. Nỗi oán hận của cậu bé Hai Đô với cha mẹ, cha dượng, mẹ kế ngày xưa không còn, thay vào đó là sự tri ân, biết ơn thành kính. Anh nhận ra, để làm giàu trước tiên phải chiến thắng chính mình, phải thay đổi cách cư xử với những người xung quanh, phải thay đổi tầm nhìn.
Cuộc đời sang trang – “Cá sấu Hai Đô” ra đời
Ông Hai Đô
Trải qua nhiều ngành nghề để mưu sinh, trong thâm tâm Hai Đô luôn khắc khoải khát vọng làm một ngành nghề nào đó, tạo ra được sản phẩm nào đó vừa giúp mình kinh doanh, vừa tạo công ăn việc làm cho mọi người, đồng thời vừa có thể quảng bá thương hiệu sản xuất tại Việt Nam ra thế giới luôn là trăn trở của ông.
Một hôm, lúc đưa con đi học, Hai Đô có trò dịp trò chuyện, lắng nghe tâm sự của thầy hiệu trưởng về cách ứng xử với khách hàng của một ông chủ kinh doanh giày da cá sấu nổi tiếng ở TP.HCM. Thầy hiệu trưởng kể rằng: “Tôi và thầy cô đưa các cháu tham quan, đang xem quầy giày da, bóp ví và hỏi giá cả thì ông chủ bước ra nói đại ý là quý thầy cô xem qua thôi, chứ mua không nổi đâu, đây là hàng cao cấp dành cho đại gia và nghệ sỹ”. Lúc đó, trong lòng người đàn ông giàu cảm xúc không khỏi xót xa, nhưng sự nhạy bén kinh doanh đã manh nha trong đầu Hai Đô ý tưởng kinh doanh mới.
Từ ngày đó, anh Hai Đô quyết định bắt tay vào tìm hiểu ngành giày da cá sấu, quyết tâm tìm ra những kỹ thuật để làm cho sản phẩm đẹp nhất, tinh xảo nhất. Thương Cá sâu Hai Đô ra đời từ đó.
Qua bao năm tháng miệt mài ông chủ Hai Đô đã tìm ra kỹ thuật xử lý da, độ bóng, độ gai gù và đặc biệt là đế giày cá sấu Hai Đô hoàn toàn khác biệt với các loại giày da cá sấu hiện có trên thị trường. Sự khác biệt rõ nét nhất là độ mềm, độ dẻo của đôi giày da cá sấu Hai Đô cũng như độ tinh xảo trên từng sản phẩm là nét đặc trưng của thương hiệu Hai Đô.
Đến nay, thương hiệu Hai Đô đã vượt qua ranh giới Việt Nam để có được thị phần ở Campuchia khi mỗi tuần hàng hoá được xuất đi đều đặn. Mỗi khi nhận được đơn đặt hàng mới là mỗi lần tiếng cười tràn ngập công ty Hai Đô.
Tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề, anh Hai Đô trầm ngâm chia sẻ: “Đời tôi đắng cay đã nhiều, với tôi được, mất nhẹ tựa lông hồng. Có đây, mất đây không ai biết trước được. Nhưng những gì của hiện tại hãy trân trọng và cố gắng. Cuộc sống này cần lắm những cái tình…”
Với quan điểm đó, anh Hai Đô vẫn sống và làm việc miệt mài, như cây giữa trời vẫn vươn lên dù trong phong ba, bão táp…
Cát Tường