Khác với nhiều năm trước, nhiều “ông lớn” lĩnh vực xây lắp ngành giao thông đưa ra mức thưởng Tết 2020 khá dè dặt.
Cuối năm là dịp để các doanh nghiệp nhìn lại kết quả một năm sản xuất kinh doanh của mình. Đây cũng là thời điểm người lao động lại trông ngóng vào các khoản lương, thưởng để chăm lo cho cái Tết no đủ, đầm ấm.
Mức thưởng nhiều hay ít, cao hay thấp thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng cũng phần nào phản chiếu hiệu quả công việc, kết quả sản xuất kinh doanh của chính đơn vị và rộng hơn là “sức khỏe” của doanh nghiệp. Đồng thời, thưởng Tết cũng là quyền lợi, động lực cho người lao động sau cả một năm nỗ lực, cống hiến.
Thời điểm này, các doanh nghiệp trong ngành giao thông dù chưa chính thức công bố nhưng cũng đã dự kiến mức thưởng Tết cho người lao động dịp Tết Canh Tý 2020. Tuy nhiên, khác với nhiều năm trước khi nhiều doanh nghiệp giao thông sẵn sàng chi thưởng 4-5 tháng lương, tương đương vài chục triệu đồng cho cán bộ, nhân viên thì đến nay nhiều “ông lớn” lĩnh vực xây lắp ngành giao thông - nơi từng là chốn mơ ước của bao người lại đưa ra mức thưởng Tết 2020 khá dè dặt, với 1-2 tháng lương, thậm chí có nơi sẽ chỉ thưởng bằng những con số tượng trưng, chủ yếu mang yếu tố tinh thần, động viên.
Tiền thưởng Tết của doanh nghiệp cho người lao động sụt giảm chủ yếu đến từ việc nguồn công ăn việc làm khan hiếm, doanh thu, sản lượng và lợi nhuận thấp hơn nhiều lần so với trước. Điều này cũng phần nào phản ánh thực trạng khó khăn chung của ngành GTVT trong vài năm trở lại đây. Bởi, thực tế từ năm 2016 đến nay, hầu hết các dự án giao thông lớn đều chững lại, số dự án khởi công mới hàng năm được khởi công mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thậm chí, hàng loạt gói thầu của các dự án ODA quy mô lớn cũng phải tạm dừng trong năm 2019 do vướng mắc về cơ chế chính sách, thay đổi tổng mức đầu tư như: Cao tốc Bến Lức - Long Thành, metro Bến Thành - Suối Tiên… Cùng đó, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản chưa có chiều hướng thuyên giảm do vẫn còn nhiều bất cập về cơ chế chính sách. Không ít nhà thầu làm dự án, công trình cả chục năm chưa thu hồi được nợ. Bên cạnh đó, những vướng mắc liên quan đến các dự án BOT dù được tháo gỡ nhưng nhiều dự án vẫn rất khó khăn, không đảm bảo doanh thu...
Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, các dự án giao thông trọng điểm, tổng mức đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng như: 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sân bay Long Thành… mới ở giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, nên chưa thể có nguồn việc làm cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà thầu xây lắp giao thông trong năm 2019.
Thực tế, các số liệu về giải ngân hàng năm là minh chứng rõ nét nhất, phản ánh chân thực về những khó khăn của ngành GTVT nói chung và của các doanh nghiệp trong ngành nói riêng đang phải đối mặt.
Trước đây, ngành GTVT giải ngân bình quân mỗi năm lên tới cả trăm nghìn tỷ đồng (2014 là 116.702 tỷ đồng, 2015 là 90.000 tỷ đồng), doanh thu của nhiều doanh nghiệp xây lắp lớn như: CIENCO 1, CIENCO 4… lên tới 7.000 - 8.000 tỷ đồng/năm thì con số dự kiến giải ngân năm 2019 (đến 31/1/2020) chỉ đạt khoảng 27.874 tỷ đồng, doanh thu kéo theo sản lượng của nhiều doanh nghiệp giao thông, đặc biệt là các đơn vị lĩnh vực xây lắp sụt giảm mạnh, chỉ bằng chỉ bằng 30% so với thời kỳ đỉnh cao.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giao thông gặp khó, doanh thu sụt giảm kéo theo mức thưởng Tết dành cho người lao động đi xuống cũng là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay.
Đình Quang
Theo Báo Giao thông