Sự kiện hot
8 tháng trước

Thanh Hóa: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 2,23%

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thanh Hóa tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển.

Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ổn định, một số lĩnh vực có bước phát triển.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, không có dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi, sản lượng thủy sản tăng 6,2% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 2,23%, có 14/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 3,4%, tổng thu du lịch tăng 6,6% so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách tăng 15,5%, doanh thu vận tải tăng 17,1%. Thành lập mới doanh nghiệp tăng 73,3% so với cùng kỳ.

Chất lượng hoạt động văn hóa - xã hội được nâng lên; thể thao thành tích cao đạt kết quả tích cực, CLB Bóng đá Đông Á Thanh Hóa đã vô địch Cúp Quốc gia năm 2023; các chế độ, chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống Nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2023 còn có những khó khăn, hạn chế, như: Thu ngân sách nhà nước tháng 8 tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 50%), nhất là số thu tiền sử dụng đất (giảm 68,1%), thuế bảo vệ môi trường (giảm 41,2%).

Kết quả thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho các dự án chưa đảm bảo theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 09/02/2023, nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án chưa được tháo gỡ, giải quyết kịp thời; tiến độ thi công nhiều dự án trọng điểm còn chậm…

Những đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 thấp, như: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thông Thanh Hóa; Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa; Sở Xây dựng; các huyện Mường Lát, Ngọc Lặc, Hà Trung...

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Tập trung làm rõ, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và trình duyệt các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết trong Khu kinh tế Nghi Sơn; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các huyện, thị xã, thành phố. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII trên địa bàn tỉnh.

Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Mùa năm 2023, chuẩn bị điều kiện, vật tư để sản xuất vụ Đông 2023 - 2024; theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời khi đang còn diện hẹp; triển khai công tác tiêm phòng đợt 2 năm 2023 cho gia súc, gia cầm.

Tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo an toàn cho người, tàu cá hoạt động trên biển; củng cố hệ thống đê điều, các công trình thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu, duy trì công tác trực ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 24/24h trong mùa mưa lũ.

Về thu hút đầu tư, đồng chí lưu ý đến nay Thanh Hóa cần có sự ưu tiên lựa chọn các dự án mang tính chất công nghệ cao. Hạn chế hoặc từ chối các dự án ảnh hưởng môi trường, nguồn nước hoặc không giải quyết được vấn đề việc làm cho lao động địa phương và không có đóng góp thuế cho ngân sách nhà nước.

Các ngành, các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; có giải pháp duy trì các chỉ số thành phần có thứ hạng cao, nâng cao các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS.

Hoài Thanh

Theo KT&ĐU

Từ khóa: