Theo đề án Liên kết đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế, trong năm 2013, tỉnh Thanh Hóa liên kết với các đơn vị liên quan đào tạo 250 lao động ngành du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Theo đề án Liên kết đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế, trong năm 2013, tỉnh Thanh Hóa liên kết với các đơn vị liên quan đào tạo 250 lao động ngành du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Du khách thăm quan, chụp ảnh lưu niệm tại hòn Trống Mái. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Đây là hoạt động nhằm nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh trong phát triển và hội nhập quốc tế.
Từ nay đến năm 2015, mỗi năm tỉnh phấn đấu đào tạo 350 lao động trong ngành du lịch có tay nghề bậc cao theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Tùy theo điều kiện cụ thể, số lao động này sẽ được đào tạo tại Thanh Hóa theo hình thức bồi dưỡng ngắn hạn; trong đó, tập trung vào các nghề kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ điều hành tour, nghiệp vụ buồng, hướng dẫn viên du lịch.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung lồng ghép trong công tác tuyển sinh, tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới các cấp, ngành, các doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của việc đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế; liên kết với Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch mở các lớp đào tạo kỹ năng nghề du lịch, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục, dạy nghề, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn; tập trung nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ đào tạo viên và nhân viên kỹ năng nghề du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế...
Tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 10.000 lao động hoạt động trong ngành du lịch. Tuy nhiên, số lao động chưa qua đào tạo chiếm trên 34%; lao động có trình độ sơ cấp, bồi dưỡng ngắn hạn chiếm gần 27%; số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp hơn 25%.
Số lao động có trình độ đại học chỉ chiếm gần 13%. Lực lượng lao động trong ngành du lịch có trình độ ngoại ngữ còn ít (chỉ chiếm 4%), phần lớn lao động có trình độ ngoại ngữ chỉ tương đương bằng A, chủ yếu là tiếng Anh, rất hiếm ngoại ngữ khác. Nguồn nhân lực du lịch được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh còn rất hạn chế...
Việc liên kết đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp Thanh Hóa bổ sung, nâng cao chất lượng cho đội ngũ lao động ngành du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu đón 110.000 khách quốc tế vào năm 2015.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/Home/Thanh-Hoa-dao-tao-nghe-du-lich-theo-chuan-quoc-te/20137/206627.vnplus
Nguyễn Mai Hương
theo TTXVN