Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thanh Hóa: Nâng tầm sản phẩm OCOP sang các thị trường khó tính

Tỉnh Thanh Hóa nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, mỗi sản phẩm đều được lựa chọn kỹ càng, mang đặc trưng, lợi thế và phát huy được sức mạnh của cộng đồng.

Thanh Hóa có 436 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên

Thanh Hóa là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với nhiều lợi thế gần 200 làng nghề truyền thống và hơn 600 HTX nông nghiệp. Sản phẩm OCOP là bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới (NTM), giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Thanh Hóa đã ban hành các chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ thể tích cực quảng bá sản phẩm OCOP của mình trên thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu.

Đến nay, Thanh Hóa có 436 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Tỉnh Thanh Hóa nằm trong tốp dẫn đầu của cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, mỗi sản phẩm đều được lựa chọn kỹ càng, mang đặc trưng, lợi thế và phát huy được sức mạnh của cộng đồng với 100% đơn vị cấp huyện đã xây dựng được sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm OCOP tiêu biểu như: Nước mắm, mắm tôm, mắm tép Lê Gia (huyện Hoằng Hóa), các sản phẩm cói (huyện Nga Sơn), bánh răng bừa Xuân Lập (huyện Thọ Xuân), chè xanh sạch Bình Sơn (huyện Triệu Sơn), chè lam Phủ Quảng (huyện Vĩnh Lộc), gạo nếp Kay nọi (huyện Mường Lát),…

Được biết, các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, mẫu mã, bao bì đẹp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, trong đó có thị trường xuất khẩu.

Với việc đưa hàng chục sản phẩm OCOP đưa lên sàn thương mại điện tử Voso.vn, nhiều sản phẩm OCOP được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử: Lazada, Shopee, Tiki, Tabao, Sendo... Cùng với đó, các sản phẩm OCOP cũng được cập nhật, giới thiệu trên chuyên trang thông tin điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt, hiện nay đã có 23 sản phẩm xuất khẩu, như: Mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre xuất khẩu Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 40 siêu thị ở Hoa Kỳ và các nước châu Âu; ...

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP...

Với những tiềm năng đa dạng về sản phẩm cùng kinh nghiệm và sự chủ động của các chủ thể sản xuất, theo đánh giá của Văn phòng điều phối Nông thôn mới, tỉnh Thanh Hóa có thể hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch số lượng sản phẩm OCOP năm 2023.

Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Đồng thời, nâng cao trình độ, tư duy sản xuất của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn và miền núi. Tuy đã tạo được hệ sinh thái sản phẩm OCOP phong phú, đa dạng, có sức tiêu thụ lớn trên thị trường song vẫn chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu.

Tuy vậy, các sản phẩm OCOP của tỉnh Thanh Hóa đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, các chủ thể sản xuất chưa có đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư phát triển sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, cùng với việc huy động nguồn lực hỗ trợ các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh còn chú trọng đến việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới.

Hoài Thanh

Theo KT&ĐU

Từ khóa: