Tháng 7/2023, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển. Các doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh góp phần vào tăng trưởng của tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phục hồi và phát triển
Trong tháng 7, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh tăng hơn 12% so với tháng cùng kỳ năm 2022, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 10,42%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,52%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 89,23%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,46%. Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 7,74% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng, đa số các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh Thanh Hóa đều tăng so với tháng cùng kỳ năm 2022, trong đó một số tăng mạnh như: clinker xi măng 370,4 nghìn tấn, gấp 2,79 lần; điện sản xuất đạt 943 triệu kwh, gấp 2,47 lần; sắt thép các loại đạt 189 nghìn tấn, tăng 86,1%; benzen 12.788 tấn, tăng 17,2%; thức ăn gia súc 17.229 tấn, tăng 13,6%; dầu nhiên liệu 449,9 ngìn tấn, tăng 12,6%…
Bên cạnh đó, một số sản phẩm có sản lượng giảm so với cùng kỳ như: bia giảm 11,3%; gạch xây giảm 10,7%; thuốc lá giảm 5,2%,... Một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: may mặc, giày da, xi măng,... mặc dù sản lượng tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng vẫn đối mặt với các khó khăn về thị trường xuất khẩu, tiêu thụ và nguyên, vật liệu đầu vào.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2023 của Nghệ An tăng 8,69%
Theo Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 năm 2023 ước tăng 8,69% so với cùng kỳ, tăng 5,03% so với tháng 6/2023.
Trong đó, so với cùng kỳ, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 31,4% (tăng 5,04% so với tháng 6/2023); công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,82% (tăng 2,85% so với tháng 6/2023); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 21,24% (tăng 25,68% so với tháng 6/2023); công nghiệp khai khoáng giảm 0,12% (tăng 2,44% so với tháng 6/2023).
Bên cạnh những thuận lợi, một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn do xuất khẩu giảm, không tìm kiếm được đơn hàng mới, giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, một số nhà máy không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, thiếu nguyên liệu hoặc về chậm so với kế hoạch, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, không đạt sản lượng, doanh thu theo kế hoạch.
Sợi ước đạt 700 tấn, giảm 28,28%; Tai nghe không nối với micro ước đạt 2,9 triệu cái, giảm 27,95%; Vỏ bào, dăm gỗ ước đạt 13,8 nghìn tấn, giảm 23,64%; Bao bì bằng giấy ước đạt 4,2 triệu chiếc, giảm 22,51%; Xi măng ước đạt 790,8 nghìn tấn, giảm 11,77%; Loa BSE ước đạt 4,7 triệu cái, giảm 8,52%; Nước mắm ước đạt 29,9 triệu lít, giảm 7,31%.
Hoài Thanh
Theo KT&ĐU