Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; song, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sự chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, nổi bật.
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực
Về lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển; trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp ổn định, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 5,5%, sản lượng thủy sản tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,54%, có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng hoặc tương đương với cùng kỳ.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 14,2%, tổng lượng khách du lịch tăng 12,4%, tổng thu du lịch tăng 18,9%, vận chuyển hàng hóa tăng 14,8%, vận chuyển hành khách tăng 38,6%, doanh thu vận tải tăng 27,9%.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là tỉnh thứ 4 cả nước được phê duyệt quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
Công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực; đã tổ chức thành công các sự kiện nhân Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa.
Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; có thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả tích cực, có 1 học sinh đạt Huy chương Bạc trong Kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế năm 2023.
Thể thao thành tích cao đạt kết quả tốt, CLB Bóng đá Đông Á Thanh Hóa vô địch Cúp Quốc gia năm 2023, Đội tuyển U19 Thanh Hóa vô địch Giải bóng đá U19 quốc gia năm 2023.
Quyết liệt triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm
Về nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, các ngành, các cấp cần tập trung tháo gỡ khó khăn nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển, các vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, xuất nhập khẩu, tính tiền sử dụng đất, vật liệu đắp nền, đơn giá vật liệu xây dựng; tiến độ thực hiện các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công; thiếu giáo viên ở các cấp học, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần rà soát lại các lĩnh vực trọng tâm trọng điểm của ngành, từ đó xác định được mũi nhọn phát triển kinh tế nông nghiệp; hiện đang là mùa mưa bão, vì vậy các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống thiên tai, bão lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.
Về hoạt động của ngành Công Thương, chuẩn bị chương trình kích cầu hoạt động người Việt dùng hàng Việt trong những tháng còn lại của năm 2023.
Ngành Tài nguyên và Môi trường lên kế hoạch thanh kiểm tra việc sử dụng đất, quyết liệt trong việc xử lý sai phạm chủ trương đầu tư đất và chậm tiến độ trong việc triển khai hạ tầng dự án theo kế hoạch…
Từ nay đến cuối năm phải cơ bản hoàn thiện các quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết, đặc biệt là quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các ngành khi xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu cần dựa trên căn cứ thực tiễn từ địa phương, như các vấn đề về sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tiêu dùng, công tác GPMB và việc giải ngân vốn đầu tư công…
Hoài Thanh
Theo KT&ĐU