Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thanh Hóa: Phân bổ gần 34.000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, Thanh Hóa sẽ siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhằm chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư, thường xuyên rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án để kịp thời có phương án xử lý.

Theo số liệu trong báo cáo tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công giữa kỳ trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 14/8/2023, tỉnh Thanh Hóa đã phân bổ được 33.642,883 tỷ đồng trên 47.968,432 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh được cấp, đạt 70,1% kế hoạch giải ngân.

Theo đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2023 được bố trí cho 14 ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung cao nhất là lĩnh vực giao thông chiếm 26,2%, nông nghiệp chiếm 8%.

Thanh Hóa phân bổ gần 34.000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Kết quả ước đến hết năm 2023, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 200 dự án, nhiệm vụ; trong đó: Xây mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 200 km đường tỉnh, cứng hóa khoảng 300 km đường nông thôn; tu bổ, nâng cấp, cải tạo 34 km đê, tăng diện tích tưới trực tiếp khoảng 1.200 ha, đảm bảo an toàn hồ đập và hệ thống đê điều; sắp xếp, ổn định dân cư 210 hộ cho khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét; đầu tư cấp điện cho 37 thôn, bản chưa có điện; hoàn thành đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa, 06 Trung tâm y tế tuyến huyện, 82 trạm y tế tuyến xã, 04 bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, 06 di tích văn hóa, 65 công trình trụ sở làm việc của Mặt trận Tổ quốc và khối đoàn thể chính trị xã hội cấp huyện, công sở xã, góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đưa tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 ước đạt 416,6 nghìn tỷ đồng, bằng 55,6% kế hoạch cả giai đoạn.

Trong suốt 3 năm qua, từ nguồn vốn đầu tư công, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành một số dự án quan trọng như Dự án Đường giao thông từ trung tâm thành phố Thanh Hóa nối với đường giao thông từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn; Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 47 đến đường Hồ Chí Minh, huyện Thọ Xuân; Bảo tồn và phỏng dựng Chính điện - Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Bên cạnh đó, khởi công nhiều dự án trọng điểm, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, như: Dự án đường giao thông từ Khu công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; Dự án Đường Vạn Thiện đi Bến En; Dự án Đường nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa; một số dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư như: Dự án Đường nối cao tốc Bắc Nam, Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn; Dự án Đầu tư hệ thống thoát nước đường 513 - Khu kinh tế Nghi Sơn...

Tính đến nay, quy mô GRDP năm 2023 của Thanh Hóa ước đạt 282.735 tỷ đồng; gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.160 USD/người, gấp 1,42 lần năm 2020.

Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ quyết định giao là 12.505 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương hơn 8.805 tỉ đồng; vốn ngân sách Trung ương hơn 3.699 tỉ đồng.

Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các chủ đầu tư, các đơn vị được giao đầu mối theo dõi dự án chủ động rà soát, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án do đơn vị, địa phương quản lý và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tuần, tháng, quý.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền, đảm bảo tiến độ giải ngân theo quy định. Thực hiện tạm ứng, thu hồi vốn tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn theo đúng quy định và ngay sau khi có khối lượng; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về kết quả giải ngân của từng dự án.

Hoài Thanh

Theo KT&ĐU

Từ khóa: