Sự kiện hot
7 tháng trước

Thanh Hóa thắt chặt quản tài sản dôi dư sau sát nhập cơ quan, đơn vị hành chính

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa đã đi giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý đất công gắn với quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2023 tại các huyện Triệu Sơn, Hà Trung, Bá Thước.

Các đơn vị hành chính, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dôi dư hàng trăm công sở, nhà đất. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài chính Thanh Hóa, tổng số cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính của 27 huyện, thị xã và thành phố là 789 cơ sở đã được UBND tỉnh phê duyệt chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý.

Đến nay, các tài sản công dôi dư sau khi sắp xếp cơ quan, đơn vị hành chính vẫn chưa được sử dụng hợp lý. Nhiều tài sản không sử dụng trong thời gian dài đã bị hư hỏng, xuống cấp. Việc chuyển đổi công năng sử dụng, bàn giao công trình, tài sản công cho cơ quan, đơn vị khác quản lý, sử dụng chưa nhiều, gây lãng phí tài sản của Nhà nước.

Trong hai ngày 20 và 21/9 kiểm tra và giám sát, được biết, tại huyện Triệu Sơn có tổng số cơ sở nhà, đất dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập là 52 cơ sở được UBND tỉnh chuyển giao về UBND huyện quản lý, xử lý. Qua rà soát, số cơ sở nhà, đất dôi dư không có nhu cầu sử dụng trên địa bàn huyện là 36 cơ sở, chủ yếu là nhà văn hóa thôn.

Tại huyện Hà Trung, từ năm 2019 đến nay, đã thực hiện sáp nhập 10 xã, thị trấn thành 5 xã, thị trấn (giảm 5 đơn vị). Số tài sản dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập là 19 tài sản, với diện tích đất hơn 48.342m2, bao gồm công sở xã, Trung tâm văn hóa - thể thao xã, trạm y tế xã.

Đối với nhà văn hóa thôn, tiểu khu, sau sáp nhập, huyện Hà Trung giảm 58 thôn, tiểu khu; số tài sản dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập là 14 tài sản với diện tích đất hơn 4.377m2. Trong 19 tài sản dôi dư, huyện Hà Trung đã chuyển đổi công năng sử dụng công sở xã Hà Lâm (cũ) và Trung tâm văn hóa - thể thao xã Hà Lâm (cũ) làm Trường Mầm non Hà Lâm, xã Yến Sơn. Còn 17 tài sản cấp xã và 14 tài sản là nhà văn hóa thôn chưa được sắp xếp, điều chuyển.

Tại huyện Bá Thước, tổng số công trình trên đất của các cơ quan, đơn vị thuộc diện sáp nhập là 115. Trong đó, số đang sử dụng 88 công trình, số không còn nhu cầu sử dụng là 27 công trình. Tổng diện tích đất của các cơ quan, đơn vị thuộc diện sáp nhập hơn 262.325m2, trong đó diện tích đất đang sử dụng là 208.050m2, diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng là 54.275m2.

Hiện nay, số nhà, đất chưa được phê duyệt sắp xếp, điều chuyển là 17 cơ sở, diện tích hơn 31.571m2, tài sản gắn liền với đất là 24 công trình. Trong đó, số nhà, đất đề xuất phương án điều chuyển là 10 cơ sở; số nhà, đất đề xuất phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 7 cơ sở.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Công tác xử lý đất, tài sản công sau sát nhập cơ quan đơn vị là nhiệm vụ cần được các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện tại các huyện Triệu Sơn, Hà Trung, Bá Thước nói riêng, tại các địa phương trong tỉnh nói chung là rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra”.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các địa phương khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan trình UBND tỉnh phương án mới để UBND tỉnh xem xét phê duyệt, làm căn cứ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đã kiểm tra thực tế việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập tại xã Xuân Hồng và thị trấn Thọ Xuân.

Trước đó, chiều 11/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên cùng Đoàn công tác đã đi kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn các huyện Thiệu Hóa và Thọ Xuân, giai đoạn 2019-2023.

Theo báo cáo và kiểm tra thực tế tại các huyện Thiệu Hóa và Thọ Xuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên khẳng định: Việc xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sáp nhập chưa hiệu quả, một phần do các huyện chưa thật sự chủ động trong việc xây dựng các phương án, cũng như tiến hành các trình tự thủ tục pháp lý để xử lý tài sản.

Đoàn đã yêu cầu các địa phương, sau khi có quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng phương án chuyển đổi phù hợp. Trong đó, trước hết phải giải quyết dứt điểm tình trạng dôi dư các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố theo phương án bàn giao cho cộng đồng để nhân dân quản lý, sử dụng.

Đối với số nhà văn hóa thôn dôi dư nên bàn giao cho cộng đồng dân cư sử dụng để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, phục vụ đời sống của Nhân dân; Những trụ sở UBND các xã dôi dư thì bàn giao cho công an xã quản lý và sử dụng để phát huy được hiệu quả, tránh lãng phí... Các cơ sở nhà, đất mà các huyện không có nhu cầu sử dụng, việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Hoài Thanh

Theo  KT&ĐU

Từ khóa: