Sự kiện hot
4 tháng trước

Thanh Hóa: Xây dựng sản phẩm OCOP hiệu quả, bền vững

Các sở, ngành, địa phương đã và đang rà soát, hỗ trợ và khuyến khích các chủ thể sản xuất có sản phẩm tiềm năng phát triển theo chu trình OCOP để xây dựng nhiều hơn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Miến gạo Thăng Long đạt OCOP 4 sao.

Sản phẩm OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân. Sau khi thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, được thị trường ưa chuộng như: Bánh gai tứ trụ, Bánh răng bừa, Miến gạo Thăng Long, nước mắm... Một số sản phẩm đã được chế biến sâu bằng ứng dụng công nghệ cao tạo giá trị gia tăng cao như: Bộ dụng cụ nhà bếp, Ghế tre thư giãn cao cấp, Xe đạp BamVina, Đĩa đựng rau Salad Việt Anh…. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đã khẳng định vai trò quan trọng đối với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương và được xem như kết quả cuối cùng của tiêu chí tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xã NTM. 

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phát triển mới 120 sản phẩm OCOP, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố mới phát triển được 52 sản phẩm OCOP. Do đó, các sở, ngành, địa phương đã và đang rà soát, hỗ trợ và khuyến khích các chủ thể sản xuất có sản phẩm tiềm năng phát triển theo chu trình OCOP để xây dựng nhiều hơn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh cho thấy, mặc dù có nhiều sản phẩm được đánh giá là có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP, song quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc đầu tư trang thiết bị máy móc còn hạn chế nên mẫu mã đơn giản, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình và những thị trường lớn...

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu phát triển mới 120 sản phẩm OCOP.

Ông Phan Xuân Hùng (Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM) chia sẻ: "Trong nhiệm vụ đào tạo, tập huấn về Chương trình OCOP, chúng tôi luôn lồng ghép những nội dung, hoạt động để khơi gợi sự sáng tạo của chủ thể. Đồng thời, tiếp sức các chủ thể trong việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ bằng nhiều hình thức... để việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ hoàn thành về số lượng mà còn bảo đảm mục tiêu, hiệu quả và ý nghĩa của chương trình”.

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu phát triển mới 120 sản phẩm OCOP; trong đó, mỗi đơn vị phát triển thêm từ 2 đến 8 sản phẩm OCOP mới. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, mới có 52 sản phẩm của 10 đơn vị cấp huyện được công nhận, đạt 43,3% kế hoạch. Do đó, nhiệm vụ đến cuối năm đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các sở, ngành, địa phương.

Trong phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của Chương trình OCOP; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, đội ngũ tư vấn và chủ thể tham gia chương trình; tư vấn, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh...

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức, như: hội chợ, triển lãm, trưng bày tại các hội nghị... để việc phát triển mới sản phẩm OCOP bảo đảm mục tiêu, kế hoạch song vẫn nâng cao, phát huy được hiệu quả, tính bền vững của chương trình.

Để đạt được các mục tiêu trên, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, mở rộng sản xuất hàng hóa; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh "Chương trình mỗi xã một sản phẩm"; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tích cực thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Hoài Thanh

Theo  KT&ĐU

Từ khóa: