Sự kiện hot
8 năm trước

'Thành phố iPhone' được xây dựng ở Trung Quốc như thế nào

Người nông dân Zhang Hailin vẫn nhớ như in một ngày nọ vào năm 2010, khi ông chứng kiến hàng loạt máy bay trực thăng bay vòng vòng trên cánh đồng ngô và lúa mỳ, thả xuống đất những vật đánh dấu hình bóng bay.

"Ba ngày sau đó, hàng trăm chiếc xe ủi đất xuất hiện ở đây", ông Zhang nhớ lại thời điểm thành phố iPhone bắt đầu hình thành.

Theo WSJ, đó là dấu hiệu cho thấy các nhà máy bắt đầu mọc lên như nấm ở Trịnh Châu, biến nơi này thành một thành phố công nghiệp mới, hay còn được biết đến với tên gọi thành phố iPhone.

Bùng nổ đến chóng mặt

Trong vòng vài tháng, hàng loạt nhà máy được dựng lên, hệ thống điện lưới được lắp đặt ở khu vực này. Những chiếc xe buýt chở đầy công nhân tới làm việc ở nhà máy Foxconn, đơn vị lắp ráp phần lớn điện thoại thông minh cho Apple.

Một năm sau đó, Terry Gou, chủ tịch Foxconn, cho biết nhà máy iPhone có 100.000 công nhân. Ngày nay, con số công nhân ở Foxconn đã tăng lên 250.000 người.

Công nhân thành phố iPhone ở Trịnh Châu. Ảnh: WSJ

Các chuyên gia ước tính mỗi năm Foxconn xuất xưởng 150 triệu chiếc iPhone, cùng 20 triệu iPad và nhiều thiết bị điện tử khác. Để phục vụ nhu cầu sản xuất, Foxconn hiện thuê một triệu người trên khắp Trung Quốc.

Cùng với hệ thống công xưởng sản xuất trải khắp nhiều thành phố, sự thành công của iPhone trong thập kỷ qua đã khẳng định vai trò củaTrung Quốc trong chuỗi cung ứng thiết bị điện tử toàn cầu.

Năm ngoái, khi iPhone rục rịch ra mắt iPhone 7, Foxconn phải thuê nhân lực từ các nhà máy than. Trong những năm qua, chính quyền Hà Nam phải báo cáo số lượng công nhân cần thiết cho nhà máy Foxconn.

Để chuẩn bị cho một phiên bản iPhone trong thời gian tới, nhà tuyển dụng của Foxconn đã bắt đầu tới dán poster và tìm công nhân ở các ngôi làng lân cận. Tính cách lạc quan và làm việc cẩn thận là hai yêu cầu tuyển dụng của Foxconn.

Các công nhân của nhà máy có thể kiếm khoảng 1.900 nhân dân tệ (278 USD) vào các tháng nhàn rỗi, và tăng lên hơn 4.000 nhân dân tệ vào mùa sản xuất bận rộn. Mức thu nhập này không cao, nhưng được cho là khá hơn nhiều so với công việc làm nông.

Tuy làm việc ở nhà máy iPhone, rất ít người có loại điện thoại này mà phần lớn là sử dụng thiết bị mang thương hiệu Trung Quốc giá rẻ.

Tại Trịnh Châu, các trung tâm mua sắm, nhà hàng và quán karaoke cũng được mở ra để phục vụ lực lượng lao động ở đây.

Yuan Yanling, 28 tuổi, từng làm việc tại dây chuyền lắp ráp iPhone. Tháng 11 năm ngoái, cô quyết định cởi bỏ đồng phục công nhân và bán mỹ phẩm cho một trung tâm mua sắm gần đó. Khách hàng của cô cũng đều là công nhân nhà máy.

Tương lai nào cho thành phố iPhone

Khi xây dựng nhà máy, chính quyền Trịnh Châu trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân địa phương. Trong khi một số người cho rằng tiền đền bù không xứng đáng, một số nông dân lại cho rằng số tiền này lớn hơn những gì họ có thể kiếm được bằng nghề nông.

Ông Zhang đã sử dụng một phần tiền đền bù để mua hai căn hộ. Vợ ông và con trai ông đều làm việc tại Foxconn.

Công nhân Foxconn. Ảnh: bgr.com

Foxconn sở hữu 80% cơ sở hạ tầng đang sử dụng ở Trịnh Châu, cho thuê phần còn lại và dự định tiếp tục đầu tư tại đây. Chính quyền cũng cho rằng nhà máy iPhone là sự đầu tư đáng giá, theo nhận định của giáo sư kinh tế Shi Pu.

"Foxconn đã đào tạo hàng trăm nghìn người dân Hà Nam. Họ có thể áp dụng các kỹ năng học được từ đây khi bắt đầu công việc mới", giáo sư Shi đánh giá.

Sự bùng nổ của hoạt động sản xuất công nghệ cao được chính quyền Bắc Kinh ủng hộ, khi đang muốn đẩy mạnh giá trị của các nhà máy thay vì chỉ tập trung sản xuất đồ chơi nhựa hay quần áo như trước đây.

Sự chuyển biến này đã cải thiện đời sống của hàng triệu người dân Trung Quốc khi tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nhưng đồng thời cũng kéo theo làn sóng khiếu nại về các quy định khắt khe, chế độ lao động và điều kiện sống của công nhân.

Cơn ác mộng tự tử từng xảy ra tại nhà máy sản xuất Foxconn ở Đài Loan và tỉnh Thâm Quyến sau loạt trường hợp năm 2010, 2011 và 2013, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên thế giới. Nhiều nhà hoạt động chỉ ra rằng điều kiện làm việc khắc nghiệt là nguyên nhân khiến công nhân tự tử.

Khi được hỏi nguyên nhân chuyển tới Trịnh Châu, Foxconn cho biết nơi đây gần với quê của đa số công nhân, cơ sở hạ tầng và giao thông thuận lợi.

"Các chính sách của Trịnh Châu và sự đầu tư của chính phủ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng vững mạnh để hỗ trợ sản xuất đã biến nơi này thành một địa điểm hấp dẫn", thông báo của Foxconn cho biết.

Tuy nhiên, mối lo ngại đặt ra là liệu hay Foxconn, hay Apple, sẽ cần thành phố iPhone này trong bao lâu. Doanh số bán hàng của iPhone năm ngoái đã sụt giảm lần đầu tiên kể từ khi ra mắt năm 2007.

Anh Anh
Theo ĐSPL,Vietnammoi

Từ khóa: