Thành phố Yên Bái đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Yên Bái. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển lịch sử của đô thị tỉnh lỵ Yên Bái, là niềm vinh dự, tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu. Một thành phố "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” - một đô thị thông minh, hạnh phúc và đáng sống đang dần hiện hữu giữa ngàn trùng Tây Bắc.
Thành phố Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Yên Bái như hôm nay là dấu mốc khẳng định bước phát triển quan trọng trên chặng đường phát triển vẻ vang của thành phố, đồng thời là niềm phấn khởi, tự hào vô cùng to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Yên Bái sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu không ngừng.
Nhân dịp hướng tới Chào mừng lễ công bố quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; thành phố Yên Bái là đô thị loại II và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Để đạt được kết quả quan trọng đó, trước hết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Yên Bái đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tranh thủ tối đa sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Đồng thời, tiếp tục kế thừa, phát huy hiệu quả nền tảng vững chắc và những kinh nghiệm quý báu mà các thế hệ cán bộ đi trước đã dày công tạo dựng.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhất là trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố đã luôn đoàn kết, đổi mới sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt với phương châm "Giao việc khoán sản phẩm”; tập trung huy động mọi nguồn lực để lập, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; gắn với thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, nhất là quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế theo hướng kinh tế đô thị để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và tăng thu cho ngân sách. Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền văn minh, thân thiện, hiện đại vì nhân dân phục vụ.
Đến nay, thành phố Yên Bái đã khẳng định được vị trị, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, là đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả nổi bật đã đạt được trong xây dựng, phát triển thành phố Yên Bái thời gian qua, phải kể đến đó là: bộ mặt đô thị thành phố đã có nhiều đổi thay theo hướng khang trang, sáng, xanh, sạch đẹp hơn; đặc biệt với sự phát triển đột phá của hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều công trình có quy mô lớn, có tính kết nối cao thời gian qua như: đường nối quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối cầu Bách Lẫm - cầu Tuần Quán - cầu Văn Phú; đường nối cầu Bách Lẫm với đường Yên Ninh... cùng với hệ thống 5 cây cầu bắc qua sông Hồng, đã tạo ra cho đô thị thành phố một không gian phát triển vô cùng rộng lớn, đem đến cho thành phố rất nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển mới.
Về lĩnh vực kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt qua nửa nhiệm kỳ triển khai nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển thành phố Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030, đến hết năm 2022 thành phố đã có 2/6 chỉ tiêu vượt mục tiêu đến năm 2025 theo Nghị quyết 23, gồm: (1) thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt 1.725 tỷ đồng, đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh đạt 37%, vượt 148% mục tiêu; (2) chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 72,6%, cao hơn 10,03 điểm phần trăm so với bình quân chung của cả tỉnh, bằng 162% mục tiêu; có 4/6 chỉ tiêu còn lại đều đạt trên 75% mục tiêu đến năm 2025, gồm: (1) tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm GRDP của tỉnh đạt 26% đạt 86,7% mục tiêu; (2) tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 9,8% bằng 88,3% mục tiêu; (3) tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 8,04% cao hơn 0,37 điểm phần trăm so với bình quân chung của cả tỉnh, bằng 96,9% mục tiêu; (4) thu nhập bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng, gấp 1,8 lần thu nhập bình quân đầu người của tỉnh, bằng 78,2% mục tiêu.
Trong 3 năm liên tục từ năm 2020 đến năm 2022, Đảng bộ thành phố được Tỉnh ủy đánh giá xếp đứng trong tốp đầu khối huyện về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm. Trong 3 năm liền, từ năm 2020 đến năm 2022, Đảng bộ thành phố vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá xếp loại Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chính từ những thành tích và kết quả nổi bật đã đạt được, Hội đồng thẩm định liên ngành Đề án đề nghị công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II đã chấm thành phố Yên Bái đạt tổng số điểm 86,22 điểm/100 điểm. Đây là cho những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong suốt những năm qua. minh chứng rõ nét nhất khẳng định.
Ông Đỗ Đức Minh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Yên Bái, cho biết: Để duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí loại II, trong thời gian tới, thành phố tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là: Cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển thành phố giai đoạn 2021 - 2030, nhằm xây dựng thành phố Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài, hoà bản sắc và hạnh phúc; là đô thị văn hoá sinh thái, có năng lực cạnh tranh cao và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; là một trong những đô thị động lực của Khu vực Tây Bắc, thực sự xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật và là đầu tàu, động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Tây Bắc.
Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch chung thành phố Yên Bái và Chương trình phát triển đô thị thành phố Yên Bái đã được phê duyệt nhằm duy trì bền vững các tiêu chí đô thị loại II đã đạt được; đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí còn đạt chưa cao, nhất là về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan, hướng tới cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030.
Đặc biệt, trọng tâm là tăng cường thu hút đầu tư để đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tăng thu cho ngân sách. Chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, phát triển hạ tầng đô thị, ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cấp đô thị như công trình thể dục thể thao, thương mại - dịch vụ, các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn về xử lý nước thải, nhà tang lễ; quan tâm hơn nữa về công trình, khu chức năng đô thị xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh; chú trọng lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; quan tâm phát triển các công trình cấp vùng, liên vùng; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng đủ sức thu hút khách tham quan, lưu trú; gắn với bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá, dân tộc.
PHI LONG - MINH ĐÔNG/VPTB