Trong nhiều năm qua, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm đầu tư cải tạo, thâm canh diện tích chè, thay thế dần các giống chè cũ, những diện tích chè cằn xấu bằng các giống chè mới. Đồng thời, để nâng cao năng suất, chất lượng chè, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trồng chè đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè theo quy chuẩn như VietGAP, IPM, ICM nhằm hướng cây chè trở thành cây trồng chủ lực, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cây trồng chủ lực, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Cây chè là cây trồng trọng điểm trong phát triển kinh tế của huyện Thanh Sơn cùng với các loại cây lâm nghiệp khác. Tính đến nay, tổng diện tích chè của toàn huyện đã đạt trên 2.500ha, trong đó diện tích chè trong dân chiếm gần 1.500ha, còn lại là diện tích trồng của các doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến chè; năng suất bình quân đạt115tạ/ha/năm, sản lượng đạt 25.998 tấn, doanh thu 46 triệu đồng/ha/năm.
Trước đây, các vườn chè trên địa bàn huyện chủ yếu là chè hạt, già cỗi, cây không đồng đều, năng suất và chất lượng kém. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của trung ương và của tỉnh, UBND huyện Thanh Sơn đã chỉ đạo trồng thay thế toàn bộ diện tích chè cằn xấu, giống cũ bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao; công tác cải tạo, phát triển chè, cơ cấu giống chè trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực; tỷ lệ các giống chè mới (LDP1, LDP2, PH1) đạt 65% tổng diện tích chè của huyện từ đó góp phần đưa giá trị sản phẩm chè ổn định, tạo niềm tin cho nông dân đầu tư vào sản xuất và chế biến chè thương phẩm.
Theo ông Đinh Mạnh Cường - Giám đốc Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn: “Chúng tôi liên kết với các hộ sản xuất chè để giao lưu học tập lẫn nhau về phương pháp sản xuất chè hữu cơ, từ khi chế biến đến khi thu hái thì chúng tôi đều có nhật ký ghi chép và kiểm tra chéo giữa các hộ sản xuất làm sao để sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng và được thị trường tin tưởng. Đến nay, thị trường chủ yếu của HTX là thị trường trong nước, chúng tôi cũng gửi mẫu sản phẩm ra nước ngoài, nếu được chấp thuận thì tới đây chúng tôi sẽ xuất khẩu. Hiện tại với gần 26 Ha chè, sản lượng hàng năm đạt trên 100 tấn chè búp tươi, đời sống của thành viên luôn ổn định từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng”.
Nói về hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác với kinh tế địa phương, ông Đinh Quốc Toản - Phó Chủ tịch UBND xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn chia sẻ: “Trên địa bàn xã Tất Thắng, hiện tại có 2 hợp tác xã là hợp tác xã chè Cẩm Mỹ ở khu 10 và hợp tác xã nông nghiệp ở khu 11, mỗi hợp tác xã có trên 20 hộ liên kết sản xuất. Từ khi có hợp tác xã thì bà con có chuỗi sản xuất, đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân và giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập tương đối ổn định. Từ đó góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương”.
Những chuyển biến tích cực của các HTX về phương thức hoạt động, tổ chức sản xuất, đầu tư, liên doanh liên kết gắn với chuỗi giá trị đang góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Ông Kiều Đức Mạnh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Sơn cho biết: “Thay đổi tư duy sản xuất chè sạch của người dân bắt đầu từ công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn hay học ngay trên đồng ruộng. Nhờ đó, giờ đây nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất chè, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường”.
Thời gian tới, huyện Thanh Sơn tiếp tục rà soát lại quy hoạch đất nông nghiệp để xây dựng và phát triển vùng chè an toàn. Nội dung chủ đạo là giữ ổn định diện tích chè hiện có; đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật trồng mới, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, đốn, hái... để vừa có năng suất cao, vừa có chè chất lượng tốt; củng cố và đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, điện, đường… vùng chè.
Sản xuất chè huyện Thanh Sơn đến năm 2025 theo hướng duy trì, nâng cao chất lượng; trong đó, chú trọng chế biến chè xanh truyền thống, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường; nâng cao sức cạnh tranh thương hiệu chè Thanh Sơn. Tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm chè Oolong từ 4 sao lên 5 sao; xây dựng mới 2 sản phẩm chè từ 3 sao trở lên. Định hướng vùng sản xuất chè tập trung, gồm các xã: Sơn Hùng, Địch Quả, Thục Luyện, Võ Miếu, Văn Miếu, Yên Sơn…
Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, trong đó trồng mới và trồng thay thế giống chè năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chè mới chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè: Tiếp tục áp dụng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây chè đặc biệt tăng cường bón phân hữu cơ... xây dựng các mô hình Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng cách).
Chế biến, bảo quản sản phẩm theo hướng sản xuất chè xanh chất lượng cao, gắn với vùng nguyên liệu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến gắn với bảo quản sản phẩm. Chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cao đối với nhóm sản phẩm chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chế biến sâu, chế biến ứng dụng công nghệ cao.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, thực hiện quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Chú trọng quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến chè quy mô hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ.
Hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm: Định kỳ tham gia các hội chợ chè; các chương trình xúc tiến thương mại về chè ở trong và ngoài tỉnh; Đẩy mạnh thành lập mới, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, làng nghề sản xuất kinh doanh chè, khuyến khích thành lập các chuỗi hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.
Để cây chè Thanh Sơn phát triển hiệu quả, an toàn
Với diện tích trên 2.500ha, cây chè được xác định là cây trồng mũi nhọn của huyện Thanh Sơn, vì vậy huyện đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn quy trình để nông dân sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây chè an toàn, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái, từng bước hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Để giảm thiểu mối nguy hại từ sử dụng thuốc BVTV hóa học, tăng hiệu quả sản xuất chè, những năm qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai nhiều mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) tại huyện, trong đó đã triển khai áp dụng mô hình trên cây chè với diện tích 3ha tại xã Sơn Hùng. Việc áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho thấy cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao. So với tập quán canh tác lâu năm của người dân địa phương, mô hình ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây chè bật búp nhiều hơn, búp chè mập, tỉ lệ sâu bệnh hại thấp hơn, đặc biệt số lần sử dụng thuốc BVTV giảm một nửa so với tập quán canh tác cũ, qua đó góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người trồng chè. Thông qua mô hình sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Sơn phát triển theo hướng nông nghiệp sạch và bền vững.
Điển hình về việc đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất chè xanh ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn phải nói đến Hợp tác xã (HTX) chè Hoàng Văn hiện đang tập trung phát triển theo hướng sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao, trước hết là phục vụ thị trường nội địa và hướng tới liên kết với một số doanh nghiệp để xuất khẩu.
Từ hiệu quả của mô hình, hàng năm huyện Thanh Sơn phối hợp với các ngành chuyên môn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con về đảm bảo quy trình phun, sử dụng thuốc BVTV cho cây chè an toàn, hiệu quả. Nông dân sản xuất chè cũng chủ động tìm hiểu và áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM), do đó, lượng thuốc hóa học sử dụng đã giảm đáng kể. Huyện khuyến khích bà con thực hiện thâm canh trong sản xuất chè để cải tạo, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng chè búp tươi đáp ứng nhu cầu cho chế biến trong nước và xuất khẩu. Áp dụng đồng bộ các giải pháp như lựa chọn giống, trồng cây che bóng đúng kỹ thuật, bón phân, tưới nước... Chỉ phun thuốc BVTV khi tỉ lệ bệnh, mật độ sâu đến ngưỡng với các loại thuốc BVTV có trong danh mục thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc bốn đúng.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX, để đảm bảo an toàn cho sản phẩm xuất khẩu và người lao động, trong quá trình sử dụng thuốc BVTV ghi chép đầy đủ nhật ký, các thông tin khi sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất chè; tổ chức thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định. Đến nay, số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM đã tăng lên đáng kể; lượng thuốc hóa học trừ sâu bệnh giảm. Với những mô hình chè IPM đều cho năng suất cao hơn trên 7.000 kg/ha, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trên 24 triệu đồng/ha/năm.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, có thể thấy, thực tế hiện nay người trồng chè đã thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức sử dụng thuốc BVTV. Bởi lẽ nếu không sử dụng đúng cách thì người phải chịu hậu quả trước tiên khi hàng ngày phải tiếp xúc với cây chè, đồng thời nếu chè có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép thì các cơ sở chế biến sẽ không thu mua và chè không xuất khẩu được, điều này cũng đồng nghĩa với việc người nông dân sẽ không có thu nhập.
Tú Anh/KTĐU