Sự kiện hot
6 năm trước

Thanh toán phi tiền mặt qua ví điện tử tăng vọt

Các loại ví điện tử không chỉ thu hút khách hàng bằng miễn phí tất cả các giao dịch thanh toán, chuyển khoản và tích điểm cho người tiêu dùng thường xuyên thanh toán không dùng tiền mặt. Tiện ích của các ví điện tử mới là điều quan trọng nhất làm cho người dân thay đổi hành vi thanh toán khi mua sắm.

Giá trị thanh toán qua ví điện tử tăng trên 100%

Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, thanh toán di động hiện đang dần trở thành xu hướng mới, các công nghệ như mã QR, thanh toán tiếp xúc, phi tiếp xúc và số hóa thông tin thẻ ngày càng gia tăng. Một số ngân hàng hiện đang thí điểm các điểm giao dịch tự động hiện đại, mới với nhiều chức năng hỗ trợ như mở tài khoản, rút nhận tiền mặt, thanh toán, chuyển tiền... hướng tới nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Tính đến cuối năm 2018 cả nước có 16 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Số món thanh toán qua ví điện tử (quý III/2018) tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017, giá trị thanh toán qua các loại ví điện tử cùng thời gian này tăng 161%. Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD cung ứng dịch vụ tài chính gia tăng tiện ích cho khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán phải đảm bảo an toàn bảo mật cho người dùng.

Chị Nguyễn Ngọc Châu (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) trở về nhà sau 3 tháng công tác nước ngoài, thấy có giấy thông báo trễ hạn thanh toán tiền điện nếu không thanh toán công ty điện lực Gia Định sẽ cắt điện trong ngày. Ngay lập tức chị đã dùng ứng dụng ví điện tử thanh toán tiền điện chỉ trong một vài thao tác vuốt trên màn hình điện thoại di động.

Sao chép mã phản hồi nhanh QR Code thanh toán phi tiền mặt tiện ích đang được các ví điện tử áp dụng triệt để

Tiện ích thanh toán tăng người dùng

Ví điện tử - một phương tiện trung gian thanh toán cho người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản ví trên internet đang thu hút rất nhiều người trẻ và giới văn phòng ở các thành phố sử dụng. Trên cả nước hiện có 23 loại ví điện tử của 26 công ty trung gian thanh toán (fintech) do NHNN cấp phép, mỗi loại ví điện tử đi theo phân khúc khách hàng riêng biệt, nhưng có một điểm chung ví điện tử không thu phí giao dịch và đặc biệt luôn khuyến mãi trực tiếp bằng tiền cho người dùng.

Ví điện tử Momo hiện được nhiều người dùng nhất do có liên kết với số lượng lớn các điểm bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các trang thương mại điện tử như Tiki, shopee, điện máy Xanh, Nguyễn Kim. Nhất là các dịch vụ nghe nhạc và truyền hình trả tiền trước xuyên biên giới như Film, Netflix, Spotify Cliptv, myTV… người dùng muốn xem một bộ phim hay nghe một bản nhạc số chỉ cần thanh toán bằng ví điện tử Momo. Để thu hút người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử Momo luôn nhắc nhớ các chương trình khuyến mãi mỗi buổi sáng vào các ứng dụng người dùng cài đặt trên điện thoại và địa chỉ thư điện tử (e.mail).

Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết: Nghiên cứu cũng ghi nhận thói quen sử dụng các công nghệ thanh toán mới đang trở nên phổ biến, với 44% số người được khảo sát cho biết họ đang sử dụng hình thức thanh toán qua các ứng dụng, trong khi đó, có 32% đang sử dụng các công nghệ thanh toán không tiếp xúc, cho phép người tiêu dùng chỉ cần chạm thẻ vào thiết bị thanh toán.

Mô hình tích điểm của các loại ví điện tử hiện nay thu hút rất nhiều khách hàng thanh toán phi tiền mặt, đơn cử như doanh số thanh toán trong ngày, trong tuần, trong tháng ví điện tử Momo sẽ khuyến mãi mua vé xem phim giá chỉ bằng 25%-30% so với giá vé bán tại rạp. Hình thức tích điểm cũng được ví điện tử Moca liên kết chặt chẽ với ứng dụng Grab bằng khuyến mãi 50% trực tiếp cho người dùng bằng các chuyến xe ôm, xe hợp đồng, giao hàng công nghệ. Thậm chí người sử dụng các chuyến xe của Grab thanh toán bằng tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử Moca còn được giảm giá trong chuỗi liên kết các quán café, nhà hàng, khách sạn…

Không chỉ thanh toán phi tiền mặt khi mua sắm hàng hóa dịch vụ trong thương mại điện tử, ví điện tử ZaloPay hiện nay còn có hình thức chuyển tiền miễn phí liên ngân hàng theo số tài khoản và số thẻ ATM. Theo đó, người dùng ví ZaloPay chỉ cần chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của mình vào tài khoản ví là có thể chuyển tiền cho người nhà có tài khoản ngân hàng ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa mà không mất khoản phí nào.

Các loại ví điện tử không chỉ thu hút khách hàng bằng miễn phí tất cả các giao dịch thanh toán, chuyển khoản và tích điểm cho người tiêu dùng thường xuyên thanh toán không dùng tiền mặt. Tiện ích của các ví điện tử mới là điều quan trọng nhất làm cho người dân thay đổi hành vi thanh toán khi mua sắm. Ví như người dùng thẻ ngân hàng thanh toán tại điểm bán mất công cà thẻ vào máy chấp nhận thẻ (POS), người dùng thẻ thanh toán trên internet banking lại mất thời gian nhập mã OTP xác nhận chủ thẻ. Trong khi các phương thức thanh toán bằng ví điện tử chỉ cần xác thực bằng số mật khẩu hoặc vân tay trên các thiết bị điện thoại hoặc sao chụp mã phản hồi nhanh QR Code gắn trên hàng  hóa dịch vụ, đã hoàn tất một thanh toán phi tiền mặt. Hơn nữa, các loại ví điện tử rất thuận tiện cho việc thanh toán những món hàng  có giá trị nhỏ lẻ không cần phải chờ người bán trả lại tiền thừa trong quá trình giao dịch.

Mang ví điện tử về nông thôn

Theo Ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank), đến nay ngân hàng đã liên kết với các ví điện tử: ZaloPay, Moca, AirPay, MoMo. Các tiện ích khi hợp tác với các ví điện tử mang lại là tiện ích chung), nạp tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví và rút tiền từ ví về tài khoản ngân hàng. Trong những năm gần đây, thị trường ví điện tử tại Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết và hứa hẹn sẽ là một thị trường thanh toán vi mô sôi động với người dùng có sử dụng tài khoản ngân hàng. Đây cũng là cơ hội cho thị trường bán lẻ trong thời đại ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động tài chính, dịch vụ giúp cho thị trường thanh toán tiêu dùng trở nên sôi động. Khách hàng ngoài việc có thể sử dụng gói trọn các tiện ích từ ví trong một ứng dụng mà còn được hưởng nhiều ưu đãi từ các ví.

Ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị - đồng sáng lập Ví điện tử Momo cho biết: “Để miễn phí tất cả các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt cho người sử dụng ví điện tử Momo, chúng tôi thu một khoản phí của các nhà bán hàng hóa và dịch vụ, một phần phí chi trả cho ngân hàng một phần phí đầu tư công nghệ vận hành hệ thống ví điện tử. Bên cạnh đó, chi phí thanh toán các đơn vị bán hàng trả cho chúng tôi như một phần chi phí thúc đẩy bán hàng của các nhà bán lẻ hàng hóa dịch vụ. Ngoài ra, chúng tôi liên kết đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ như vận tải, ẩm thực, thời trang… tạo thành chuỗi thương mại vừa để tăng doanh số bán hàng cho các điểm bán lẻ và giảm giá thành chi phí hàng hóa dịch vụ cho người tiêu dùng”.

Theo ông Diệp, để thanh toán qua ví điện tử chủ ví phải xác nhận mật khẩu mỗi giao dịch bằng các dãy số hoặc vân tay của các chủ ví điện tử tự tạo trên thiết bị di động. Nên khi người dùng mở ví điện tử trên điện thoại di động hoặc máy tính phải có mật khẩu vào đúng tài khoản ví điện tử nên dù người nào có số tài khoản ví mà không có mật khẩu cũng không vào được ví và mỗi giao dịch lại xác nhận mật khẩu rất an toàn bảo mật.

Cơ chế hoạt động của các sản phẩm ví điện tử theo các quy định hiện hành theo nguyên tắc 1:1, tức là người tiêu dùng chuyển một đồng từ tài khoản ngân hàng vào tài khoản ví, công ty có sản phẩm ví phải cân đối một đồng tương ứng một đồng. Các đơn vị có ví điện tử chỉ được mở các điểm nạp tiền mặt vào tài khoản sử dụng dùng vào mục đích thanh toán, nhưng không được phép huy động vốn ngoài xã hội.

Trong Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 Chính phủ chỉ đạo NHNN nghiên cứu và báo cáo Chính phủ phương án nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; nghiên cứu xác định số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng. Yêu cầu các NHTM, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR Code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR Code.

Một chuyên gia thanh toán của NHNN cho biết, quyết định cho phép nạp tiền trực tiếp vào tài khoản ví điện tử của Chính phủ khi thực thi sẽ mở ra một cơ hội rất lớn cho chủ trương tài chính toàn diện. Theo số liệu thống kê, gần 70% dân số Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn, với khả năng linh hoạt cao và chi phí vận hành thấp các điểm nạp tiền vào ví điện tử có thể bám theo các cửa hàng tạp hóa, nông cụ, phân bón và các chợ quê để mở rộng người dùng ví điện tử. Theo đó, các nhà quản lý chính sách nên quản lý các công ty sở hữu ví điện tử phải có điều kiện bao nhiêu tiền mặt, bao nhiêu tiền trên tài khoản theo tỷ lệ thanh toán trong tháng hoặc theo năm. Từ  đó vẫn đảm bảo an toàn thanh toán mà các nhà quản lý không phải quản lý cả tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử và quản lý cả công ty phát hành ví điện tử như hiện nay.

Theo đó các chủ ví điện tử mở ví ở nông thôn không phải đi quá xa để tìm ngân hàng nạp tiền và sử dụng trực tiếp ví điện tử thanh toán phi tiền mặt trên các trang thương mại điện tử giao hàng tận nơi mà không lo hàng hóa ở đô thị về các vùng sâu vùng xa chậm chạp do địa lý. Đồng thời tiến tới các điểm bán hàng ở nông thôn dán mã QR Code lên hàng hóa dịch vụ để thanh toán bằng điện thoại di động thay vì có tài khoản ngân hàng chỉ để rút tiền mặt như hiện nay.

Đặc biệt, ví điện tử lại không thu phí giao dịch sẽ là cơ hội cho những người nông thôn chuyển tiền cho con em mình đi học ở các đô thị và công nhân ở trong nước và người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền nhanh chóng về nông thôn. Điều này tương tự như mô hình ví điện tử M-Pesa của một nhà mạng viễn thông lớn nhất Kenya đã rất thành công trên thế giới trong giải quyết bài toán tài chính toàn diện ở một quốc gia nghèo. Theo đó, ví điện tử M-Pesa với rất nhiều chức năng bao gồm: thanh toán, tiền gửi, tiền vay…

Theo Công ty tài chính tiêu dùng Home Credit Việt Nam, đến nay Công ty đã liên kết với các ví điện tử Viettel Pay, Payoo, MoMo, AirPay. Thống kê sơ bộ của Home Credit Việt Nam cho thấy mặc dù tỷ trọng thanh toán qua ứng dụng di động chưa cao trong công ty, nhưng tốc độ phát triển khá nhanh.

Riêng đối với MoMo do có hợp tác chiến lược với Home Credit nên khách hàng có thể tùy chọn thanh toán điện tử với MoMo trên Ví MoMo hoặc trên ứng dụng Home Credit đều rất thuận tiện, việc ghi nhận kết quả giao dịch cũng nhanh chóng hơn. Nhờ đó, 90% khách hàng MoMo chọn trả góp với Home Credit qua ứng dụng di động, thay vì thanh toán tiền mặt tại các cửa hàng.

Theo Thời báo Ngân hàng 

Từ khóa: