Sự kiện hot
2 năm trước

Thanh toán số tăng trưởng mạnh trong quý II/2022

Theo số liệu báo cáo giao dịch qua nền tảng thanh toán Payoo cho thấy, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực như dịch vụ công, giáo dục, du lịch cho đến F&B (thực phẩm và thức uống) bán lẻ…trong quý II/2022 tăng trưởng mạnh.

Ngân hàng đẩy mạnh tăng thu dịch vụ

Ngày 25/7, Công ty CP Dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion) – đơn vị sở hữu nền tảng thanh toán Payoo công bố thông tin số liệu giao dịch qua nền tảng thanh toán Payoo quý 2/2022.

Theo đó, các phương thức thanh toán không tiền mặt, đặc biệt phương thức thanh toán mới nổi như quét mã QR ngày càng phổ biến và chiếm tỷ trọng cao trong hoạt động thanh toán ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực.

Hiện tại, Cổng dịch vụ công quốc gia giúp người dân và doanh nghiệp thanh toán tất cả các dịch vụ công cấp độ 4: Nộp thuế thu nhập cá nhân; Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; Thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; Đóng BHXH tự nguyện, Đóng và gia hạn BHYT; Thanh toán tiền điện, tạm ứng án phí, nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp,…

Trong lĩnh vực giáo dục, sự bứt phá mạnh thể hiện ở mảng thanh toán học phí trực tuyến, tiếp tục giữ đà tăng trưởng từ năm ngoái đến nay. Trong đó, nhóm trường công lập đã được hỗ trợ thu hộ học phí tới hơn 1.500 trường công lập tại TP.HCM, bao gồm các cấp từ mầm non đến bậc đại học. Quý II/2022, giá trị giao dịch thanh toán học phí tăng gấp 2,5 lần so với quý I và gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực du lịch ghi nhận giao dịch thanh toán tại quầy qua máy POS của các doanh nghiệp (bao gồm vé và lữ hành, lưu trú, gói nghỉ dưỡng,…) cũng tăng trưởng 60% về cả số lượng và giá trị so với quý I/2022. Trong đó, hình thức thanh toán trả thẳng bằng thẻ quốc tế và trả góp qua thẻ tín dụng chiếm đến hơn 95%, chủ yếu đến từ mảng lưu trú, gói nghỉ dưỡng.

Như đã dự báo trong báo cáo ra mắt vào 4/2022 của Payoo, ngành F&B quý II đã có mức tăng trưởng đáng kể nhờ hưởng lợi từ du lịch trở lại và người dân mạnh dạn đi ăn ngoài. Cụ thể, ngành thực phẩm và đồ uống có mức tăng 61% về số lượng và 41% về giá trị giao dịch so với Quý I/2022.

Kênh thanh toán chủ yếu của F&B là thanh toán tại quầy qua Payoo POS. Thanh toán bằng thẻ quốc tế là hình thức thanh toán chủ đạo khi chiếm đến 64% về số lượng và 77% về giá trị. Thẻ nội địa tương ứng là 21% và 17%, riêng mã QR là 15% và 6%.

Quý II/2022, thêm nhiều đơn vị F&B trên thị trường đã lựa chọn Payoo làm đối tác cung cấp dịch vụ thanh toán toàn diện nhằm điện tử hóa hoàn toàn quy trình thanh toán, đối soát của họ. Càng nhiều đơn vị chấp nhận đa dạng hình thức thanh toán lại càng thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt được phổ biến rộng rãi hơn.

Nhóm thời trang, phụ kiện trong quý II tăng trưởng đến 70% về số lượng và 26% về giá trị so với quý I. Trong đó, điểm sáng thuộc về nhóm trang sức, thương hiệu thời trang tầm trung khi đạt mức tăng 40-50% trong khi nhóm thương hiệu cao cấp, xa xỉ phẩm lại giảm nhẹ 12-15% vì không phải mùa cao điểm mua sắm.

Đi ngược dòng các nhóm bán lẻ trên, hầu hết các đối tác của Payoo ở mảng điện thoại, điện máy quý II đều giảm nhiệt khi doanh thu chỉ đạt 80-90% so với quý trước.

Nhìn chung trong quý II, hầu hết các lĩnh vực đều có sự tăng trưởng về khối lượng lẫn giá trị giao dịch. Điều này cũng phản ánh việc thanh toán không tiền mặt đang dần trở thành phương thức thanh toán quen thuộc của người dân.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: