Tập đoàn Lã Vọng đã thâu tóm nhiều dự án BT dưới hình thức liên doanh với doanh nghiệp nhà nước.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thanh tra các dự án của Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên (Tập đoàn Lã Vọng) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cổng vào dự án Louis Đại Mỗ của Tập đoàn Lã Vọng
Theo đó, xét báo cáo của UBND TP Hà Nội về kết quả kiểm tra phản ánh của báo chí về việc Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên được ưu ái giao nhiều khu "đất vàng" tại Hà Nội để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT.
Trong số này, có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và ý kiến của các cơ quan liên quan.
Do đó, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành có sự tham gia của Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Xây dựng thanh tra toàn diện các dự án của doanh nghiệp này theo báo cáo của UBND TP Hà Nội.
Việc thanh tra sẽ kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan về các vấn đề liên quan và kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Văn phòng Chính phủ yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/12/2018.
Năm 2016, Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới được Hà Nội chỉ định thực hiện Dự án BT Cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Đầu Băng và hồ Tư Đình, tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng. Thực hiện dự án này, Ngôi nhà mới được thanh toán bằng quỹ đất hơn 9,9 ha thực hiện dự án đối ứng trên địa bàn phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm thuộc Đồ án Quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị Tây Nam đường 70. Đây là vị trí Dự án Khu đô thị Louis City Đại Mỗ đang được chào bán trên rất nhiều trang giao dịch bất động sản với mức giá khá cao.
Tháng 7/2017, UBND TP. Hà Nội đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để triển khai thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức BT, với nhà đầu tư dự kiến được lựa chọn là Công ty CP Đầu tư Louis Group (Louis Group).
UBND TP. Hà Nội dự kiến sẽ sử dụng 41 ô đất, với tổng diện tích 441,26ha trên địa bàn các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, và các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Đông Anh, Mê Linh làm vốn đối ứng.
Cơ sở cho đề xuất chỉ định nhà đầu tư, theo UBND TP. Hà Nội là do tính cấp thiết của việc đầu tư Dự án và kế thừa từ việc thực hiện lựa chọn nhà đầu tư Dự án từ 7 - 8 năm trước. Cụ thể, ngày 17/12/2009, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho Tổng công ty Sông Đà nghiên cứu lập, hoàn chỉnh Đề xuất Dự án. Ngày 25/3/2010, tại Thông báo số 88/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT như kiến nghị của TP. Hà Nội, trong đó có dự án này.
Theo Reatimes