Sự kiện hot
12 năm trước

Thao túng giá cổ phiếu: Vi phạm nhiều, xử được bao nhiêu?

Hàng loạt các lãnh đạo cũ và mới của các công ty chứng khoán (CTCK) bị bắt gần đây đang rấy lên niềm tin cho rằng năm nay sẽ năm của thanh lọc, tái cấu trúc. Tuy nhiên, không ít người nghi ngờ điều này.

Hàng loạt các lãnh đạo cũ và mới của các công ty chứng khoán (CTCK) bị bắt gần đây đang rấy lên niềm tin cho rằng năm nay sẽ năm của thanh lọc, tái cấu trúc. Tuy nhiên, không ít người nghi ngờ điều này.

Lý do của những nghi ngờ này là bởi, thao túng giá nói riêng và sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán nói chung trong quá khứ quá nhiều và thậm chí lộ liễu nhưng thực tế xử lý chẳng được bao nhiêu. Liêu năm 2012 có gì khác không?

Sờ gáy từng CTCK

Thị trường chứng khoán (TTCK) trong phiên cuối tuần xôn xao sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) chiều 10/8 công bố thông tin bất thường cho biết, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự tại Công ty cổ phần Chứng khoán Sacombank (SBS).

Về cơ bản, đây là vụ án về “công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, thao túng giá chứng khoán” xảy ra tại công ty. SBS bị “sờ gáy” đợt này dường như bởi đây là 1 CTCK có quá nhiều điểm nổi bật mang tính tiêu cực và thu hút sự chú ý của đa số các nhà đầu tư chứng khoán về độ tăng giảm bất thường của cổ phiếu này cũng như các vụ việc mà CTCK có liên quan tới.

Trước hết, có thể thấy, SBS là cổ phiếu hiếm hoi “có sóng” tưng bừng với 9 phiên tăng trần liên tiếp gần đây trong khi TTCK đang u ám và buồn tẻ.

Điều đáng nói là SBS tăng trần trong khi cổ phiếu này đang bị báo động đỏ với hầu hết các thông tin về doanh nghiệp này đều là tiêu cực như thua lỗ nặng nề (lũy kế hơn 1.400 tỷ đồng), báo cáo tài chính kém tin cậy; thanh khoản kém (từ 19/7 rơi vào diện kiểm soát, chỉ được giao dịch 15 phút cuối); chưa có báo cáo quý II/2012, báo cáo kiểm toán 2011; toàn bộ lãnh đạo gắn bó lâu năm với công ty đều đã bán sạch cổ phiếu trong 6 tháng đầu năm; bị tố cáo làm giá 4 cổ phiếu, trong đó có cổ phiếu của chính SBS…

SBS bị khởi tố còn được cho là do CTCK này có thể có liên quan tới vụ Dược Viễn Đông (DVD). Hồi giữa năm 2011, 1 nhân viên môi giới chứng khoán của SBS đã bị khởi tố vì tội làm giá chứng khoán, liên quan tới DVD và cổ phiếu Dược Hà Tây (DHT).

Cũng trong ngày 10/8/2012, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và HOSE ra thông báo về việc ông Phan Minh Anh Ngọc - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Cao su (RUBSE), nguyên tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Cao su Việt Nam, đã bị bắt tạm giam. Không nêu rõ lý do cụ thể vì sao ông Phan Minh Anh Ngọc bị bắt, thông báo nói trên chỉ nêu: RUBSE là một trong 6 công ty chứng khoán bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 23/4 do tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro nhỏ hơn 120%..

Trước đó, ngày 3/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 2 ông: Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SME và ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư - 1 hình thức góp vốn thường để “đánh” chứng khoán rất thịnh hành vài năm trước đây.

Câu chuyện nguyên Tổng giám đốc CTCK Liên Việt (LVS), ông Hoàng Xuân Quyến, bị bắt hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6 cũng cho thấy 1 điều là sai phạm trong các CTCK là rất nhiều. Những sai phạm kiểu như thao túng giá, sai phạm trong repo cầm cố, trong hợp tác đầu tư… có lẽ là rất nhiều và có thể sờ đâu cũng thấy và dường như không có nhà lãnh đạo CTCK nào trong những năm TTCK bùng nổ như 2007 không khỏi lo lắng.

Thao túng và vi phạm tràn lan

Mặc dù những thông tin về xử phạt hay khởi tố các hành vi thao túng hoặc vi phạm công bố thông tin (CBTT) gần đây là khá nhiều và có vẻ như các cơ quan chức năng đang “làm mạnh”, nhưng trên thực tế tình hình xử lý các sai phạm, trong đó có thao túng giá chứng khoán trong vài năm qua chưa nhiều, chậm và mức xử phạt nhẹ không đủ sức răn đe.

Vụ thâu tóm cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank là 1 điển hình. Nó khiến cho nhiều nhà đầu tư cảm giác rằng, cứ có tiền là làm được tất cả, có thể qua mặt các cơ quan quản lý dễ dàng bằng cách cứ làm rồi chịu phạt. Mức phạt thông thường là không đáng so với những gì mà các đại gia đạt được.

Câu chuyện mua chui bán lén cổ phiếu 1 cách công khai và lặp đi lặp lại nhiều lần, mua rồi lại bán và các cá nhân sai phạm chỉ bị phạt sau 1 thời gian rất lâu sau đó - khi mà mục đích của những người làm sai dường như đã đạt được, cho thấy dường như đây không còn là vi phạm CBTT thông thường mà có sự việc lặp đi lặp lại và dường như có hệ thống thì hẳn là 1 vấn đề. Tuy nhiên, mức xử phạt vài chục triệu động/1 lần vi phạm như vậy có thể không đủ sức răn đe.

Một trường hợp lộ liễu bị liệt vào tội thao túng giá chững khoán là bà Nguyễn Thị Kim Phượng chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu CTCP Vật tư và Vận tải Xi măng (VTV), nhưng lại lặng lẽ bán ra hơn 557.000 cổ phiếu này. Trước đó, từ ngày 1/10/2009 đến ngày 12/1/2010, bà Phượng đã có hành vi thông đồng với ông Nguyễn Quang Hưng, ông Ngô Quốc Đạt và ông Ngô Quang Tài để thực hiện mua, bán cổ phiếu VTV nhằm tạo ra cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu này; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết với người khác liên tục mua, bán cổ phiếu VTV để thao túng giá.

Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra, bà Phượng chỉ bị phạt hành chính với tổng số tiền là 170 triệu đồng. Trên thực tế đây là 1 khoản tiền phạt vào loại nhiều nhất (đối với 1 cá nhân) trên TTCK nhưng thực tế nó có đủ làm chùn chân các đại gia hay không thì hẳn các nhà đầu tư và cơ quan chức năng đều có thể thấy được được.

Rồi vụ đẩy giá mà “ai cũng có thể cảm nhận” tại CTCP Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC). Theo đó, bằng kỹ xảo đặt lệnh tạo cung cầu ảo, ông Hoàng Minh Hướng và bà Quách Thị Nga đã thực hiện thao túng giá cổ SQC. Theo kết quả điều tra của UBCK, trong thời gian từ ngày 17/12/2009 đến ngày 7/1/2010, ông Hướng và bà Nga đã đặt nhiều lệnh mua khối lượng lớn cổ phiếu SQC với giá trần hoặc sát trần trong nhiều phiên liên tiếp, gây ảnh hưởng đến giá của cổ phiếu SQC.

Vụ 3 cá nhân thông đồng với nhau để thực hiện thao túng giá cổ phiếu SHI trong khoảng thời gian từ 30/12/2009 đến 9/7/2010; vụ tạo cung cầu ảo đẩy giá chứng khoán CTCP Bê tông Hòa Cầm - Intimex (HCC) trong khoảng thời gian từ 16/4/2010 đến 30/6/2010... là những ví dụ khác.

Trên thực tế, kể từ khi TTCK được đưa vào hoạt động đến nay có vô vàn các trường hợp thao túng giá hoặc nghi án thao túng giá được nhắc đến hoặc được truyền tai trong giới đầu tư. Đó là chưa kể đến những vụ sai phạm trong CBTT mà ranh giới giữa sai phạm với thao túng là khá mong manh.

Một điểm chung trong hầu hết các vụ thao túng giá chứng khoán nói trên là được phát hiện khá chậm (bởi quy trình phức tạp và thanh tra UBCK thiếu thẩm quyền, hình thức thao túng ngày càng tinh vi…) và đều được xử lý theo khung ở mức có vẻ như chưa đủ nặng.

Trường hợp bị xử nặng nhất cho đến nay có lẽ là vụ thao túng giá cổ phiếu DVD và DHT của chủ tịch kiêm tổng giám đốc DVD, Lê Văn Dũng với cái kết là 4 năm tù cho ông Dũng. Đây là cũng là người đầu đầu tiên (cùng 3 đồng phạm) bị xử lý hình sự về hành vi thao túng giá chứng khoán kể từ khi tội danh mới này được bổ sung vào Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ 1/1/2010. Hiện cựu tổng giám đốc này đang tiếp tục bị khởi tố để điều tra hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức để vay vốn ngân hàng.

Theo thống kê, hàng năm UBCK phát hiện và xử lý hàng chục trường hợp vi phạm, có hành vi thao túng giá đối với một số loại cổ phiếu. Riêng trong năm 2010, số vụ thao túng lên là trên 50 trường hợp.

Tuy nhiên, đa số các nhà đầu tư cho rằng, nếu xét kỹ thì số lượng các vi phạm thao túng có thể cao gấp nhiều lần. Điều mà dư luận hết sức quan tâm, thậm chí là bức xúc trước những biểu hiện vi phạm như: sử dụng thông tin nội gián để làm giá chứng khoán của một số nhà đầu tư được coi là "đại gia" trên TTCK. Việc thao túng của những tay chơi lớn này thường rất tinh vi và khó xử lý nặng theo quy định hiện tại.

Mạnh Hà
Theo Vietnamnet

Từ khóa: