Sự kiện hot
9 năm trước

Thắp sáng niềm hi vọng vùng biên

ĐS&TD - Câu chuyện về những Việt kiều Campuchia sống tạm bợ trong túp lều xiêu vẹo bên bờ hồ Dầu Tiếng ở xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) giờ đã trở thành “quá khứ” bởi những đổi thay mà cộng đồng mang đến cho họ trong nhiều năm qua.

Từ nhà cửa….

Cảnh sống lay lắt, tạm bợ trong những túp lều xiêu vẹo bên bờ hồ Dầu Tiếng của hơn 20 hộ dân xóm Việt kiều (gần 300 nhân khẩu) ở xã Phước Minh khi họ mới dắt díu nhau từ Campuchia trở về Việt Nam đã được thay thế bằng nhưng căn nhà cấp bốn kiên cố, đường điện kéo về tận xóm.

Theo bà Bùi Kim Nga, đại diện ban thường vụ Hội Bảo trợ người nghèo tỉnh Tây Ninh: “Suốt nhiều năm nay, Hội Bảo trợ người nghèo tỉnh Tây Ninh kết hợp cùng các mạnh thường quân đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước luôn quan tâm, giúp đỡ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần đối với những hộ dân từ Campuchia trở về Việt Nam sinh sống trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những lần trước, chúng tôi không hỗ trợ tập trung tại một khu vực nào. Năm nay, nhờ sự quan tâm của chính quyền, sau khi xin Nhà nước được khu đất gần bờ hồ Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu), chúng tôi đã vận động thêm các mạnh thường quân, xây được 12 căn nhà (mỗi căn nhà trị giá 33 triệu đồng), giúp bà con xóm Việt kiều ở xã Phước Minh an tâm hơn về chỗ ở”.

 

 

Cũng theo bà Nga, sau khi huy động được sự chung sức của năm mạnh thường quân khác cùng với DNTN trà Hoàn Ngọc 7 Nga (doanh nghiệp hỗ trợ xây 7 căn trên tổng số 12 căn nhà trong năm 2014) đã có buổi làm việc với chính quyền xã Phước Minh. Qua đó, yêu cầu chính quyền địa phương xét duyệt những cư dân cần cù trong lao động, tư cách đạo đức tốt để trao tặng nhà.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hồ Văn Chuối (34 tuổi) không giấu được niềm hạnh phúc khi chúng tôi hỏi về cuộc sống hiện tại. Anh Chuối cho biết: “Chúng tôi, ai cũng vui mừng và hạnh phúc khi Nhà nước đã mở đường, kéo điện, được các mạnh thường quân lo cho cái nhà…”

“Cuộc sống của người dân tại xóm Việt kiều còn rất nhiều khó khăn. Dù đã được hỗ trợ về chỗ ở nhưng rõ ràng số lượng các hộ nghèo nơi đây khá nhiều, chúng tôi cũng mong sự chung sức thêm của nhiều người mới hi vọng đáp ứng hết nhu cầu”, bà Nga chia sẻ thêm.

Điều trăn trở nhất đối với chủ doanh nghiệp tích cực làm việc thiện này là mong muốn Nhà nước cấp một khu đất đủ rộng để bà kêu gọi thêm các mạnh thường quân, cùng chung sức xây dựng một khu tái định cư, xây nhà, xây chợ, trường học, trạm xá… cho những người nghèo khổ từ Campuchia trở về có nơi “an cư”.

Đến đường, điện…

Cùng với những căn nhà cấp bốn kiên cố đang được xây dựng, lưới điện cũng đã được kéo về tận xóm. Từ nay, ở cái xóm Việt kiều này sẽ không còn cảnh tù mù trong ánh đèn lồng.

Những đứa trẻ được sinh ra trên mảnh đất này phần nhiều cũng đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện làm giấy khai sinh để các cháu có cơ hội đến trường như bao chúng bạn cùng trang lứa, dẫu cha mẹ các cháu vẫn chưa có quốc tịch, hộ khẩu…

Anh Hồ Văn Chuối kể rằng, gia đình anh đã về sống tại xóm Việt kiều này được 7 năm. Con gái anh, Võ Thị Kiều (12 tuổi), đã được địa phương tạo điều kiện làm giấy khai sinh để được đi học. Dù trường học xa nhà (điểm học tại trường Tiểu học Phước Ninh B, cách nhà hơn 10km – PV) nhưng với sự nổ lực, Kiều vẫn đạt được thành tích cao trong học tập.

“Chúng tôi hiểu rõ nổi khổ khi không biết chữ nên dù còn khó khăn nhưng vợ chồng cũng thống nhất sẽ cố gắng để cho con được đến trường, cho con biết được con chữ để sau này có thể đi làm ở các công ty…”, anh Chuối chia sẻ thêm.

Hải Yến

Từ khóa: