Miễn thuế là bức bách
Nhiều người có thu nhập từ tiền công, lương thấp đang thấp thỏm vì không biết năm 2012 có tiếp tục được miễn thuế TNCN hay không? Chị Liên, nhân viên của một công ty luật tại TP HCM, than thở: "Từ sau Tết đến nay, hoa quả biến mất trong thực đơn hằng ngày của tôi. Thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng mà phải chi tiền nhà, điện, nước, xăng xe, gửi xe... với mức giá tăng định kỳ. Còn lương thì 2 năm nay chẳng thấy tăng". Chị Liên cũng như nhiều cán bộ, công chức, những người làm công ăn lương đều trông chờ vào việc được giảm thuế TNCN trong năm 2012.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nền kinh tế chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt dù vài tháng gần đây tốc độ tăng CPI chậm lại, nhưng điều đó không có nghĩa khó khăn đã được giải quyết. Do đó, việc miễn thuế cho những đối tượng bị tác động trực tiếp này là điều cần tiếp tục thực hiện.
Khó khăn của năm 2011 lan mạnh sang năm 2012 làm cuộc sống của người làm công ăn lương càng chật vật.
TS. Tạ Đình Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, khẳng định: "Việc miễn thuế TNCN cho đối tượng thu nhập từ tiền công, tiền lương tiếp tục thực hiện trong năm 2012 là nhu cầu bức bách. Lạm phát vẫn ở mức 18%, lương không tăng và cuộc sống của người hưởng lương ngày càng chật vật".
Tuy nhiên, theo bà Lan, cái mà người lao động trông chờ không phải là sự hỗ trợ hoặc chiếu cố của nhà nước một cách thụ động, bởi nhà nước còn hỗ trợ thì nghĩa là tình hình còn khó khăn. Người dân trông chờ vào nền kinh tế vĩ mô sớm ổn định, giá cả bớt leo thang để sống được bằng chính sức lao động và thu nhập của họ. Trong điều kiện chưa đạt được điều đó thì cần phải có chính sách hỗ trợ tiếp tục.
Trong khi đó, người thực thi chính sách thuế, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho rằng, khó khăn trong năm 2011 vẫn đang lan ra những tháng đầu năm 2012, doanh nghiệp khó khăn, người làm công ăn lương cũng khó khăn. Theo bà Hương, Chính phủ nên chờ một thời gian nữa để ảnh hưởng của Tết Nguyên đán xa hơn trước khi cân nhắc có miễn giảm thuế TNCN trong năm 2012.
"Cơm không ăn gạo còn đó"?
Việc có tiếp tục miễn, giảm thuế TNCN năm 2012, giảm ở mức độ nào, theo các chuyên gia cần phải điều tra thực tế để có chính sách hợp lý. Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay nhiều lao động gặp khó khăn thực sự khi số doanh nghiệp giải thể, phá sản nhiều nên số người không có thu nhập, không có việc làm, thu nhập giảm sút khá lớn. Các cơ quan có thẩm quyền rốt ráo điều tra nguyên nhân và có những chính sách phù hợp với thực tế là rất cần thiết. Trên cơ sở điều tra sẽ có những chính sách phù hợp, khoan sức dân. Ngoài ra, mức lương bao nhiêu mới phải nộp thuế thì cũng điều tra và tính chỉ số lạm phát để thu thuế TNCN phù hợp.
Trao đổi về việc có tiếp tục miễn thuế TNCN cho đối tượng chịu thuế bậc 1 trong năm 2012, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, cho biết, hiện vẫn chưa có cách tháo gỡ, nhưng "cơm không ăn gạo còn đó", vì thuế TNCN là thuế tính theo năm. "Năm ngoái để được 5 tháng miễn chúng tôi phải đấu tranh mãi mới được".
Tuy nhiên, theo ông Phụng, Bộ và các đơn vị liên quan đang nhận định tình hình. Trong tuần tới, khi Bộ trưởng có ý kiến, sẽ có trình dự thảo luật thuế TNCN sửa đổi, lúc đó thông tin về những chính sách hỗ trợ sẽ được công bố, và cũng có đề xuất đổi mới cách làm. Còn ông Vũ Văn Trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho rằng, việc có tiếp tục miễn thuế TNCN hay không thì phải từ Chính phủ, Quốc hội và ý kiến đề xuất phải từ các bộ, ngành.
Nên sửa lại cách quyết toán thuế
Mặc dù còn khoảng 1,5 tháng nữa mới đến thời điểm quyết toán thuế TNCN năm 2011, nhưng nhiều người có thu nhập từ tiền công, tiền lương đã đến Cục Thuế TP.HCM để hỏi thông tin quyết toán thuế. Vì thế, nhiều người rất ấm ức với việc "đóng cả 2 bậc thuế" nếu thu nhập chỉ nhỉnh hơn 9 triệu đồng/tháng vài ngàn đồng.
Anh Nguyễn Xuân Trường, một giáo viên dạy nghề, nói: "Tôi cứ nghĩ từ tháng 8 - 12/2011, tất cả mọi người có thu nhập từ tiền công, tiền lương đều được miễn thuế bậc 1 (5%), không ngờ là cứ trên 9 triệu đồng/tháng là thu hết cả mấy bậc". Anh Trường phải lên tận Cục Thuế thành phố hỏi vì anh thấy từ tháng 8 - 12.2011, kế toán cơ quan đã trừ thuế TNCN rất đều đặn, dù thu nhập của anh chỉ khoảng 9,2 triệu sau khi đã giảm trừ gia cảnh. "Những người thu nhập chỉ thua tôi khoảng 50.000 đã được miễn thuế, như vậy là thiếu công bằng", anh Trường nói.
Nhiều doanh nghiệp cũng thấy phiền và không công bằng cho người lao động với cách quyết toán thuế TNCN năm 2011 vừa được hướng dẫn. "Chúng tôi cứ đinh ninh từ tháng 8 - 12, nếu người lao động có thu nhập từ 9 triệu trở xuống/tháng (sau khi đã giảm trừ gia cảnh, bảo hiểm xã hội...) thì được miễn thuế TNCN, nhưng bây giờ hướng dẫn quyết toán lại gộp cả năm rồi chia bình quân hàng tháng để tính. Chúng tôi không thể tạm thu thuế của nhân viên trước nên đã tạm quyết toán thuế theo từng tháng, bây giờ mà thiếu thuế TNCN thì... phải tính sao. Đã miễn 5 tháng thuế bậc 1 thì phải tính trên 5 tháng được miễn", anh Chiến, kế toán một doanh nghiệp tại Bình Thạnh cho biết.
TS. Tạ Đình Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, cho rằng, cần phải nới rộng mức độ miễn thuế và tính một cách công bằng cho phần lớn người có thu nhập. "Những người có thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng thì tính thuế kiểu khác, chứ thu nhập 10 - 15 triệu đồng ở các thành phố đắt đỏ như Hà Nội, TP HCM mà tính theo kiểu này thì không mang tính hỗ trợ. Theo tôi, khởi điểm các bậc chịu thuế phải nâng lên, giảm trừ gia cảnh tăng lên mới phù hợp".
Nhận định ở Việt Nam mức lương bao nhiêu có thể chịu thuế, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng rất khó, vì với mức lương tối thiểu, việc nuôi sống bản thân còn khó, trong khi đó họ còn gia đình. Thế nên phải tính toán cho thiết thực hơn, các cơ quan nhà nước không nên tính tròn trịa cho một người nào đó, mà hãy nghĩ đến những nhu cầu khác ngoài nhu cầu cơ bản... TNCN phải tính đến mức thỏa đáng.
|