Từ cuối tháng 7-2012, TP.HCM đã không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết:
Từ cuối tháng 7-2012, TP.HCM đã không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết:
Ông Nguyễn Văn Minh - Ảnh: M.Hương
- Trước hết phải thấy đây rõ ràng là một quan điểm hết sức nhân đạo: nhìn những người hành nghề bán dâm dưới góc độ họ là nạn nhân, là người ở thế yếu, cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ. Theo tôi, đó là một quan điểm đúng đắn. Nó cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới và thời đại. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện sẽ có khó khăn ban đầu. Trước hết về mặt tâm lý, trong nội bộ cán bộ và trong một bộ phận dân cư thì mọi người vẫn chưa có sự đồng tình cao.
Gần đây, qua theo dõi của chúng tôi thì hoạt động mại dâm đường phố có dấu hiệu gia tăng và phức tạp hơn. Nếu thực hiện quy định mới về việc không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh hay trường (trại) tập trung thì có lẽ tình trạng mại dâm sẽ còn phức tạp hơn.
* Như vậy, TP.HCM sẽ ứng xử ra sao trước quy định mới này?
- TP đã tập trung nhiều giải pháp về công tác phòng ngừa, ngăn chặn mại dâm. Trong đó có đẩy mạnh giáo dục truyền thông, xây dựng phường xã lành mạnh, không có mại dâm. Chấn chỉnh quy hoạch về ngành nghề kinh doanh nhạy cảm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra liên ngành các cấp để hạn chế mại dâm trá hình trên địa bàn.
Riêng với những người từng là gái mại dâm, chúng tôi đang xây dựng cách tiếp cận mới. Sở LĐ-TB&XH TP đã phối hợp với Ủy ban Phòng chống AIDS TP, Hội Liên hiệp phụ nữ TP xây dựng mô hình hỗ trợ những người này. Chương trình chọn Trung tâm tham vấn và hỗ trợ sức khỏe cộng đồng Ánh Dương (trực thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM) là nơi để tập hợp người bán dâm, kể cả những người được trả từ các trường.
Hoạt động chủ yếu ở Ánh Dương là hỗ trợ về mặt tâm lý, tư tưởng, chăm sóc sức khỏe, triển khai mô hình dạy nghề tạo công ăn việc làm. Mỗi người khi rời trường sẽ được hỗ trợ học nghề là 2 triệu đồng. Sau đó, chúng tôi sẽ giới thiệu việc làm. Trong năm nay dự kiến hỗ trợ 30 người, trong đó Ủy ban Phòng chống AIDS TP hỗ trợ 10 người, Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ 20 người. Chương trình đang được triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Trước mắt TP.HCM chuẩn bị các bước như thế, về lâu dài phải chờ hướng dẫn cụ thể của cấp trung ương và các bộ ngành.
Chúng tôi cũng cho rằng cần thành lập một trung tâm công tác xã hội để tiếp cận với những người bán dâm, làm nơi tạm lưu trú cho những người này nếu họ có nhu cầu. Tại trung tâm, chúng ta sẽ tiếp tục tư vấn, tham vấn hoặc hỗ trợ các dịch vụ y tế khác. Ý tưởng này chúng tôi đang soạn thảo để trình UBND TP kiến nghị với cấp trung ương cho phép thực hiện.
* Về mức xử phạt đối với hành vi bán dâm theo luật mới, theo ông đã hợp lý chưa?
- Mức phạt 300.000 đồng thật sự chưa đủ sức răn đe, nếu không muốn nói là không thấm vào đâu. Tuy nhiên, luật còn mới quá, cái gì mới phải có thời gian triển khai, nếu thực tế thật sự nảy sinh nhiều bất cập thì đề xuất sửa đổi. Như tôi đã nói, quan điểm của ta là xử lý thật nghiêm khắc các đối tượng chủ chứa, bảo kê, chăn dắt, môi giới mại dâm. Còn riêng đối tượng bán dâm thì tuyên truyền, giáo dục phải được xem là biện pháp hàng đầu.
Đang soạn hướng dẫn thực hiện quy định mới
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, quy định áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại địa phương và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm được loại bỏ, đồng nghĩa với việc số người bán dâm đang giáo dục trong các trung tâm sẽ được trả về.
Theo một lãnh đạo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cơ quan này đang soạn thảo văn bản hướng dẫn thực hiện quy định mới này. Báo cáo của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết hiện cả nước có khoảng 30.000 người bán dâm, trong đó số có hồ sơ quản lý là gần 14.000 người.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Thành Thái - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội - cho biết toàn thành phố Hà Nội có khoảng 200 người bán dâm đang cải tạo, chữa bệnh, học nghề tại Trung tâm chữa bệnh và giáo dục lao động xã hội số 2 (huyện Ba Vì, Hà Nội). Nếu chủ trương của thành phố cho phép, số người bán dâm thuần túy sẽ được trở về xã hội, riêng người bán dâm liên quan tới ma túy vẫn tiếp tục giữ lại cải tạo, giáo dục.
Về vấn đề tái hòa nhập cộng đồng, giải quyết nghề nghiệp, việc làm cho người bán dâm sau khi ra khỏi trung tâm, ông Thái nói sở phải chờ ý kiến chấp thuận của thành phố, sau đó sở sẽ có lộ trình xây dựng phương án để giải quyết.
Đức Bình - Lâm Hòa
|
theo Tuổi trẻ