Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, năm 2019 có 46 lượt nhà thầu bị các cơ quan chức năng công khai tình trạng vi phạm và bị xử lý, con số lớn nhất kể từ năm 2015 đến nay. Đây được coi là biện pháp để răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu. Tuy nhiên, đa phần các nhà thầu này chỉ bị xử lý ở mức chấm dứt hợp đồng, không bị xử phạt hành chính, biện pháp xử lý chưa đủ mạnh để tránh tình trạng tái diễn vi phạm.
Trong danh sách 46 nhà thầu vi phạm năm 2019 bị công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, có duy nhất 1 trường hợp nhà thầu tư vấn là Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Bắc Hà (địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh xử phạt 35 triệu đồng vì đánh giá sai hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đề xuất của Công ty CP Thủy sản Khu vực 1 (nhà đầu tư được lựa chọn) không đúng tiêu chuẩn đánh giá của hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trung tâm hành chính và trụ sở UBND xã Đông Tiến, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh).
Đáng chú ý, có 7 nhà thầu bị phát giác vì gian lận trong đấu thầu, vi phạm Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu. Cụ thể, Công ty CP Quảng cáo và Truyền thông ALPHA bị Tổng công ty Dịch vụ viễn thông cấm thầu 5 năm vì cung cấp thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu tại gói thầu do tổng công ty này phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu (thời gian ban hành lệnh cấm là tháng 11/2019). Công ty CP In Hà Nội cũng bị Tổng công ty Dịch vụ viễn thông cấm thầu 5 năm với lý do tương tự (thời gian ban hành lệnh cấm là tháng 9/2019). Tháng 8/2019, Công ty CP In Hà Nội cũng bị Tổng cục Thống kê cấm thầu 5 năm do nhiều lần cố ý cung cấp thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu.
Với hành vi gian lận trong đấu thầu khi tham gia Dự án Hoàn thiện hạ tầng cáp quang tỉnh Bắc Giang, Công ty CP Tư vấn xây dựng hạ tầng H&T Hà Nội bị Công ty Điện lực Bắc Giang cấm thầu 5 năm (thời gian ban hành lệnh cấm là tháng 1/2019). Do cung cấp thông tin không trung thực khi tham dự đấu thầu gói thầu mua sắm bản quyền phần mềm, Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Gia Phúc đã bị Công ty Điện lực Vĩnh Long cấm thầu 4 năm.
Trong 7 trường hợp có hành vi gian lận trong đấu thầu, 3 nhà thầu bị cấm thầu 3 năm vì cung cấp thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu gồm: Công ty TNHH Tấn Phú An (bị UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấm thầu, thời gian ban hành lệnh cấm là tháng 1/2019); Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trần Lê (bị Cục Y tế thuộc Bộ Công an cấm thầu, thời gian ban hành lệnh cấm là tháng 10/2019); Công ty TNHH Phát triển Nguyên Phương (bị UBND tỉnh Bến Tre cấm thầu, thời gian ban hành lệnh cấm là tháng 1/2019).
Thống kê của Báo Đấu thầu cũng cho thấy, năm 2019 có tới 38 lượt nhà thầu vi phạm hợp đồng, không có năng lực thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công trình/dự án. Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất Xây dựng Thương mại Nhật Anh 2 lần bị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh chấm dứt hợp đồng và xử phạt vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 178,964 triệu đồng (2 quyết định xử phạt vi phạm đều vào tháng 1/2019). Lý do xử phạt là Nhà thầu không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, không đảm bảo về tiến độ thi công và thời hạn hoàn thành gói thầu.
36 trường hợp nhà thầu còn lại “bội ước” hợp đồng đã ký với chủ đầu tư chỉ bị xử lý ở mức chấm dứt hợp đồng và không bị xử phạt hành chính. Trong đó, có những nhà thầu sau khi trúng thầu thì không còn năng lực thực hiện hợp đồng như: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bạch Việt (địa chỉ tại TP.HCM, bị Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chấm dứt hợp đồng); Công ty CP Tập đoàn Hưng Vượng (địa chỉ tại TP.HCM, bị Công ty Điện lực Cà Mau và Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau chấm dứt hợp đồng); Công ty CP Thương mại và Xây dựng Ba Đình (bị Ban Quản lý dự án kiến trúc 1 thuộc Tổng công ty Viễn thông Mobifone chấm dứt hợp đồng); Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và công nghiệp Tân Thịnh Phát (địa chỉ tại TP.HCM, bị Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh Cà Mau chấm dứt hợp đồng).
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia về đấu thầu, phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu là việc “cực chẳng đã” của các chủ đầu tư. Loại trừ những lý do “bất khả kháng” hy hữu thì nó cũng cho thấy, chủ đầu tư đã “chọn nhầm” nhà thầu ngay từ đầu, bị nhà thầu yếu kém “qua mặt”, không phát hiện được các hành vi gian lận của nhà thầu trong hồ sơ dự thầu, dẫn đến nhà thầu không có năng lực, thiếu năng lực mà vẫn trúng thầu.
Tuấn Dũng
Theo Báo Đấu thầu