Sự kiện hot
7 năm trước

Thay tên đổi chủ, công ty chứng khoán nhỏ vẫn chật vật

Trong khi các công ty chứng khoán lớn đang bận rộn chuẩn bị cho thị trường phái sinh sắp sửa khai mở, thì ở một góc khác, các công ty chứng khoán nhỏ dù đã “thay tên đổi chủ” vẫn đang chật vật tìm hướng đi.

Sau sáp nhập, JSI dự kiến sẽ trở thành Phòng Kinh doanh của IVS dành riêng cho thị trường Nhật Bản

Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) là tên mới của Công ty Chứng khoán Phượng Hoàng (PCS) sau cuộc đổi chủ diễn ra năm 2016.

VNCS vừa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2 năm nay và đang gặp rất nhiều khó khăn trên nền tình trạng tài chính và kinh doanh bết bát của PCS.

Hơn 1 năm trước (tháng 5/2016), 15 cổ đông của PCS đã bán 100% phần vốn góp cho 3 cá nhân mới gồm ông Hoàng Xuân Hùng (60,1%), bà Nguyễn Minh Trang (20%) và ông Nguyễn Thanh Hải (19,9%).

Kết thúc năm 2016, Công ty ghi nhận 773 triệu đồng doanh thu, lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 26 tỷ đồng trên vốn góp 35 tỷ đồng.

Năm 2017, VNCS đặt mục tiêu không lỗ.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Công ty, VNCS đang tái cơ cấu hoạt động và đầu tư chuẩn bị cho tương lai. Hiện VNCS tập trung vào 2 động lực chính là công nghệ và nhân sự để giữ chân khách hàng.

Song song với việc đầu tư, VNCS cố gắng duy trì thế mạnh là mối quan hệ với các khách hàng nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Dù tham vọng cải thiện tình hình kinh doanh, Tổng giám đốc VNCS cũng thừa nhận với vốn điều lệ nhỏ hiện nay (35 tỷ đồng) khả năng cạnh tranh của Công ty là rất thấp. Hiện VNCS đang tiến hành các bước để tăng vốn lên 60 tỷ đồng, nguồn vốn góp vẫn từ các cổ đông nội bộ.

Trước Công ty Chứng khoán Phượng Hoàng, Công ty Chứng khoán An Nam đã phải “bán mình” cho Công ty Đầu tư Shinhan (thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan Hàn Quốc).

Công ty này đã hoàn tất việc mua lại 100% cổ phần Chứng khoán Nam An vào tháng 7/2015, nhưng đến 4/2/2016 mới chính thức chuyển tên thành Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) theo giấy phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tình hình kinh doanh của Chứng khoán An Nam sau thay tên đổi chủ cũng khó khăn không kém VNCS, cho dù tiềm lực của Tập đoàn Shinhan đứng sau là không nhỏ. Theo báo cáo tài chính, quý I, SSV lỗ ròng 3,85 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu SSV chỉ đạt gần 1,4 tỷ đồng (gấp đôi cùng kỳ), nhưng chủ yếu do đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL. Ngoài ra, SSV thu về vỏn vẹn 20 triệu đồng từ nghiệp vụ môi giới và 40 triệu đồng từ hoạt động tư vấn tài chính. Tính đến cuối tháng 3, SSV lỗ lũy kế hơn 15 tỷ đồng trên vốn điều lệ 146 tỷ đồng.

SSV cho hay, quý I/2017, các chi phí tiếp tục tăng cao khi SSV tuyển thêm nhân sự và đầu tư mua sắm các tài sản, thiết bị phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Môi giới là mảng kinh doanh chính chiếm tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận chủ yếu của khối công ty chứng khoán.

Thị phần môi giới ngày càng có xu hướng tập trung vào các công ty chứng khoán có quy mô lớn, nhất là tới đây, khi các sản phẩm mới được triển khai như phái sinh, T+0, với điều kiện các công ty chứng khoán tham gia phải đáp ứng điều kiện vốn điều lệ tối thiểu 800 tỷ đồng, cơ hội phát triển với các công ty chứng khoán nhỏ lại càng hẹp. Đặc biệt là các công ty chứng khoán nhỏ, hoạt động yếu kém, phải chịu M&A trong giai đoạn đẩy mạnh tái cấu trúc ngành.

Những tháng đầu năm nay, xu hướng sáp nhập trong khối công ty chứng khoán đang tiếp diễn. Tháng 3 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) đã thông qua kế hoạch nhận sáp nhập Công ty Chứng khoán Nhật Bản (JSI) nhằm tăng tiềm lực tài chính và đa dạng hóa khách hàng.

Theo đó, dự kiến sau khi sáp nhập, quy mô vốn của IVS sẽ tăng lên khoảng 372 tỷ đồng. JSI sẽ trở thành Phòng Kinh doanh của IVS dành riêng cho thị trường Nhật Bản.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Công ty Chứng khoán SHB (SHBS) đã có kế hoạch “về một nhà”. Hiện nay, SHS và SHBS là hai công ty chứng khoán hiện đang cùng mang thương hiệu với cùng một ngân hàng và có chung cổ đông. Thương vụ này được dự kiến thực hiện ngay trong năm 2017.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm nay, trả lời thắc mắc cổ đông, lãnh đạo SHS cho biết, việc sáp nhập có lợi ích nhiều hơn hạn chế.

Vốn của SHBS nhỏ, nợ xấu đã được làm sạch trước khi sáp nhập, nên không có nhiều. Các cổ đông cũng đặt nghi ngờ về tình trạng kinh doanh của SHBS khi hiện SHBS chưa có báo cáo kiểm toán 2016.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, khi các công ty chứng khoán lớn ngày càng tỏ rõ ưu thế, tiếp tục phát triển và tham vọng thâu tóm thị phần, xu hướng sáp nhập, hợp nhất để nâng cao sực cạnh tranh của nhóm còn lại là tất yếu. Dù vậy, để tìm hướng đi riêng, duy trì và bứt lên sau khi “thay tên đổi chủ” vẫn là thách thức không nhỏ.

Anh Quốc
Theo Đầu Tư Chứng Khoán

Từ khóa: